Cân nhắc bỏ hình phạt tử hình một số tội
Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7 trong số 22 tội danh có quy định hình phạt tử hình trong luật hiện hành, gồm: Cướp tài sản; phá huỷ công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch; phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược; chống loài người, tội phạm chiến tranh và tội vận chuyển trái phép chất ma túy.
ĐB Đặng Văn Hiếu (đoàn Thanh Hóa)- Thứ trưởng thường trực Bộ Công an đồng ý chủ trương giảm án tử hình, vừa đỡ tốn kém, vừa đỡ vất vả cho cơ quan tư pháp, đảm bảo tính nhân đạo.
ĐB Đặng Văn Hiếu- Thứ trưởng thường trực Bộ Công an |
Tuy nhiên đại biểu đề nghị cân nhắc có nên bỏ tử hình với tội như cướp tài sản rất nghiêm trọng, nguy hiểm; tội phá hoại công trình quan trọng gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia; vận chuyển ma túy với số lượng lớn…
Đồng quan điểm giảm bớt hình phạt tử hình đối với một số tội danh, nhưng Đại biểu Lê Đông Phong (TP Hồ Chí Minh) lưu ý tội về chống loài người, không nhất thiết phải giảm tử hình. Thế giới nhiều nước vẫn để khung hình phạt này tuy ít khi sử dụng và ít khi xảy ra nhưng vẫn để đảm bảo tính nghiêm khắc của luật.
Đối với tội cướp tài sản, trong bối cảnh hiện nay chưa nên bỏ khung hình phạt này vì cần phải có biện pháp ngăn chặn, răn đe. Tội danh phá hủy tài sản quốc gia cũng không nên giảm. Đối với tội vận chuyển trái phép ma túy, trong tình hình thực tế hiện nay, không nên bỏ tử hình nhưng cần quy định số lượng vận chuyển cao lên để áp dụng khung này.
“Người chủ mưu trong vận chuyển, gắn với mua bán thì sẽ khác với việc người nghèo vận chuyển thuê. Cách này vẫn có thể giảm án tử hình mà không cần phải thu hẹp khung hình phạt này”, đại biểu nêu quan điểm.
ĐB Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, chưa nên bỏ tội phá hủy công trình quan trọng an ninh quốc gia. Ví dụ hệ thống điện quốc gia chỉ cần phá một chốt điện sẽ đình trệ toàn bộ sản xuất, sinh hoạt. Bản chất của tử hình là dùng hình phạt để răn đe, phòng ngừa.
“Không phải cứ phạt nặng là nghiêm minh”
Đại biểu Trần Văn Độ- nguyên Phó Chánh án TANDTC, Đại biểu đoàn An Giang nhấn mạnh Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị nói tăng cường tính hướng thiện của biện pháp hình sự, giảm hình phạt tù, tăng hình phạt không phải tù, hạn chế áp dụng hình phạt tử hình.
Là người có 30 năm công tác trong ngành tòa án, đại biểu cho biết trên thực tế án tử hình chủ yếu áp dụng phổ biến đối với 2 tội Giết người và Ma túy. Những án như tham nhũng, tham ô xử rất ít.
“Ta hay nói để lại án tử hình như tội tham nhũng để thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Theo tôi, không phải cứ phạt thật nặng là nghiêm minh, mà nghiêm minh là quy định thế nào áp dụng trên thực tế như thế. Như tham nhũng, tham ô, hối lộ… quy định hình phạt tử hình nhưng trên thực tế không xử lý được bao nhiêu thì có nghiêm minh không? Ta hiểu nhầm về tính nghiêm minh của pháp luật. Quy định thật nặng khi xử thật nhẹ thì tính nghiêm minh không có”, đại biểu nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Văn Độ- nguyên Phó Chánh án TANDTC |
Khác với nhiều ý kiến đại biểu khác, ông Trần Văn Độ đề nghị nghiên cứu bỏ tử hình đối với tội tham ô, nhận hối lộ và sản xuất thuốc chữa bệnh giả.
“Không phải nương tay với người tham nhũng, nhưng quy định như hiện nay không thể đấu tranh được, chủ yếu xử lý tham nhũng vặt, dễ gây mất lòng tin của người dân. Về thuốc giả, tôi làm nghề 30 chưa thấy xử được vụ nào về hình sự chứ chưa nói tử hình thì nói “phổ biến” là chỗ nào? Còn về nguy cơ cũng chỉ là suy đoán thôi”, đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu cũng cho rằng cần ủng hộ tư tưởng của cơ quan soạn thảo người bị tuyên tử hình phục hồi phần lớn thiệt hại, lập công thì được tha tử hình. Nên động viên viên người ta để lấy tiền đó khắc phục, làm việc khác.
“Singapre nói muốn chống tham nhũng phải đạt 4 cái: Không cần tham nhũng (chính sách sử dụng người tài, trả lương cao), không muốn tham nhũng (giáo dục đạo đức, lòng tự trọng), không thể tham nhũng (quản lý chặt chẽ cho anh muốn cũng không thể tham nhũng) và không dám tham nhũng (tức pháp luật trừng trị). Như vậy là pháp luật phải cuối cùng”, đại biểu Trần Văn Độ cho biết thêm./.