Băn khoăn của đại biểu Quốc hội là xác đáng
Làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm trong buổi làm việc sáng nay (20/11), tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất, đầu tàu cả nước, chiếm 1/5 GDP và tốc độ tăng trưởng cao gấp 1,6 lần cả nước. Số DN chiếm 1/3 cả nước. Thành phố có cơ cấu kinh tế hiện đại, 99% là khu vực công nghiệp và dịch vụ.
“Như vậy, Thành phố phát triển nhanh hơn sẽ đóng góp nhiều hơn cho phát triển cả nước” – ông Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho biết, Thành phố là địa bàn đóng góp lớn nhất cho thu ngân sách Trung ương và mức đóng góp ngày càng tăng thể hiện rõ tinh thần Thành phố vì cả nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng |
Dự toán 2018, Quốc hội giao cho TPHCM là 376.000 tỷ đồng, tức để hoàn thành dự toán, Thành phố phải thu trên 1.000 tỷ/ngày. Như vậy, Thành phố chỉ nhận phấn đấu tăng thêm 1% thì gánh nặng giao thu sẽ giảm cho rất nhiều địa phương khác.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Tài chính cũng phân tích, động lực tăng trưởng của Thành phố đang chậm lại. Tăng trưởng bình quân từ mức 2 con số giai đoạn 1986 – 2010 (10,2%) đã giảm còn 1 con số trong giai đoạn sau (9,6%), tác động trực tiếp làm chậm lại mức tăng trưởng chung của cả nước. Cho dù thời gian này nhiều địa phương khác có mức tăng trưởng vượt bậc nhưng do mức đóng góp ko lớn nên không bù lại được.
Về nội dung dự thảo Nghị quyết, các cơ chế chính sách được đề xuất chủ yếu là phân cấp, phân quyền đối với quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính ngân sách, cơ chế uỷ quyền giữa các cấp, thu nhập của cán bộ công chức viên chức do Thành phố quản lý. Theo quy định hiện hành, đây là thẩm quyền của cấp trên nay phân cho Thành phố thực hiện. Đối với một số nội dung pháp luật hiện hành chưa quy định, trình Quốc hội cho phép Thành phố nghiên cứu xây dựng để báo cáo Chính phủ, báo cáo UBTVQH, Quốc hội cho phép thí điểm .
“Qua theo dõi, chúng tôi thấy đa số các vị đại biểu nhất trí đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên một số đại biểu băn khoăn về phân cấp phân quyền trong cơ chế chính sách tài chính, đặc biệt là đề xuất thuế tài sản, điều chỉnh chính sách thu hiện hành. Các băn khoăn này là xác đáng, khi đề xuất chính sách này, Thành phố và Chính phủ đã lường trước những vấn đề nảy sinh. Do vậy, trong dự thảo Nghị quyết đã quy định các nguyên tắc để không ảnh hưởng lớn đến DN, nhất là DNVVN, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng tới sản xuất, lưu thông hàng hoá trên cả nước, tập trung vào hàng hoá phát sinh trên địa bàn” – Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh
Ngân sách Trung ương không cam kết bổ sung thêm cho Thành phố
Ông Đinh Tiến Dũng cũng cho biết, khi xây dựng dự thảo Nghị quyết, đã bàn và thống nhất với Thành phố để các cơ chế chính sách này cơ bản không làm thay đổi các cân đối lớn về NSNN và nợ công trong kế hoạch tài chính 5 năm, cũng như kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016 – 2020, không ảnh hưởng phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn cho các bộ, ngành, địa phương.
“Từ nay đến năm 2020, Thành phố vẫn tiếp tục điều tiết về Trung ương với tỷ lệ hiện hành, ngân sách Trung ương cũng không cam kết bổ sung thêm cho Thành phố. Thực tế, dù chúng ta muốn cũng khó khăn, không làm được khi ngân sách rất khó khăn” – Bộ trưởng nói.
Về giá trị vốn Nhà nước tại 39 DN do Thành phố quản lý trong danh sách phải cổ phần hoá giai đoạn 2016 – 2020 thì giá trị sổ sách khoảng 42.000 tỷ đồng, Thành phố dự kiến thu 67.000 tỷ đồng từ cổ phấn hoá. “Chúng tôi cho rằng, giai đoạn tới, khi kinh tế Thành phố mạnh hơn thì số thu từ cổ phần hoá không chỉ là 20.000 tỷ đồng mà có thể gấp nhiều lần số này. Khi đó, theo dự thảo Nghị quyết, phần để lại sẽ là nguồn lực đáng kể để Thành phố thực hiện nguồn lực của mình”.
Việc tăng dư nợ vay đảm bảo cho Thành phố có thêm dư địa vay và phù hợp chủ trương đẩy mạnh cơ chế cho vay lại từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài thay vì cấp phát như hiện nay. Dự kiến, theo các Hiệp định đã ký, Thành phố vay lại từ nguồn này khoảng 1 tỷ USD để đầu tư cho cơ sở hạ tầng trọng điểm. Hàng năm, căn cứ trần nợ công được Quốc hội quyết định, Bộ sẽ tổng hợp nhu cầu vay của địa phương để trình Quốc hội quyết định, bảo đảm việc tăng mức vay của Thành phố được đặt trong quan hệ nhu cầu vay, bội chi của địa phương khác và yêu cầu đảm bảo an toàn nợ công trong giới hạn.
“Mong muốn Quốc hội ủng hộ thông qua Nghị quyết, tạo điều kiện cho TPHCM phát triển nhanh hơn, hiện đại, đóng góp nhiều hơn vào GDP cả nước. Khi đó không chỉ Thành phố thuận lợi mà cả nước nói chung cũng thuận lợi” – ông Đinh Tiến Dũng đề nghị./.
Có cơ chế đặc thù, TPHCM không phải loay hoay “xé rào”
TPHCM có thể được quyết nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền Thủ tướng