Lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, tần suất thực hiện ra sao, cách thức thực hiện và hệ quả pháp lý thế nào… là nội dung được các đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Chỉ có 2 mức tín nhiệm
Về mức độ thể hiện trong lấy phiếu tín nhiệm, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) khẳng định không thể giữ 3 mức như trước vì an toàn quá.
Theo đó, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng cho rằng nên để ở hai mức là tín nhiệm và tín nhiệm thấp vì thể hiện rõ ràng thái độ.
Cùng chung quan điểm này, Đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng để ở 2 mức thì rõ hơn, tức là tín nhiệm và tín nhiệm thấp. Trên cơ sở kết quả đó để đánh giá cao hay không cao.
Đại biểu Trương Thị Thu Trang (đoàn Tiền Giang) cũng cho rằng, quy định 3 mức độ đánh giá tín nhiệm là chưa thực sự thể hiện sự khách quan trong hoạt động này, chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri, chưa khắc phục được hạn chế đã tồn tại ở lần lấy phiếu tín nhiệm vừa qua theo Nghị quyết 35 của Quốc hội.
Quan điểm của Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) cũng nêu rõ nên ghi trên phiếu 2 mức là mức tín nhiệm và không tín nhiệm. Sau khi có kết quả bỏ phiếu thì mới có định lượng cụ thể là ai cao, ai thấp. “Ví dụ, 80% trở lên được coi là tín nhiệm cao, 50%-80% là tín nhiệm và dưới 50% là tín nhiệm thấp” – Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Tín nhiệm thấp thì từ chức
Trở lại hệ quả pháp lý của lấy phiếu tín nhiệm, theo đại biểu Đỗ Mạnh Hùng: lấy phiếu tín nhiệm để làm cơ sở cho việc xem xét, đánh giá, bố trí sử dụng cán bộ có thể ghi ba mức: Một là, tiếp tục công việc được giao; Hai là bố trí công tác khác; Ba là nên từ chức. Tiếp tục công việc đó, hoặc phải điều đi, nếu cả hai khả năng đó không thể đáp ứng được thì chỉ còn một gợi ý nữa là nên từ chức. “Cách này vẫn giữ được 3 phương án, cũng khác với bỏ phiếu tín nhiệm nhưng cũng rõ ràng thái độ hơn và không đến mức an toàn quá như phương án chúng ta đang làm” – Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng nói.
Cùng chung quan điểm này, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị nên quy định có 50% số đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân đánh giá thấp thì có thể xin từ chức. Trước khi bỏ phiếu tín nhiệm nên để cho người tín nhiệm thấp được từ chức, nếu không từ chức sẽ bỏ phiếu tín nhiệm để đỡ gây áp lực cho người có tín nhiệm thấp. “Như vậy, quy định có thể từ chức, có thể là không bắt buộc, nếu như không từ chức thì cũng chưa đặt vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm. Cho phép từ chức để đỡ áp lực cho người có tín nhiệm thấp, như thế cũng góp phần hình thành văn hóa từ chức trong hoạt động lãnh đạo và quản lý” – Đại biểu Tô Văn Tám nói.
Lấy tín nhiệm 2 lần trong 1 nhiệm kỳ
Theo đại biểu Danh Út (đoàn Kiên Giang) việc lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm như vừa qua là quá nhiều, quá ngắn, một năm chưa đủ thời gian để người được lấy phiếu tín nhiệm điều chỉnh, khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
Khắc phục hạn chế này, Điều 7 dự thảo Nghị quyết quy định theo hướng mỗi nhiệm kỳ lấy phiếu tín nhiệm một lần. Tuy nhiên, theo đại biểu Lò Hải Ươi (đoàn Lai Châu) qui định như dự thảo là chưa phù hợp, khó nâng cao trách nhiệm của người được lấy phiếu, bỏ phiếu trong việc cải tiến chất lượng, hiệu quả công việc trong thời gian ngắn, nhất là với những người thời gian công tác còn lại không nhiều. Một số đối tượng có thể cho rằng thời gian còn dài nên chậm trễ triển khai các hoạt động khắc phục hạn chế. Một số có thể có tâm lý hết nhiệm kỳ sẽ nghỉ hưu, việc đánh giá thế nào không quan trọng nên không tập trung khắc phục hạn chế, thiếu sót để nâng cao tín nhiệm, khắc phục được đến đâu hay đến đó.
Mặt khác, nếu theo phương án này sẽ không đảm bảo tính kịp thời trong việc đánh giá cán bộ, làm cơ sở bố trí sử dụng cán bộ như mục đích nghị quyết đề ra. Ngược lại, nếu quy định Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hàng năm tại kỳ họp thường lệ cuối năm, kể từ năm thứ hai của nhiệm kỳ có nhược điểm là thời điểm lấy phiếu tín nhiệm quá gần nhau.
Ngược lại, lấy phiếu tín nhiệm không đủ thời gian để khắc phục hạn chế. Thực tế có những hạn chế cần nhiều thời gian để khắc phục, nhất là những hạn chế xuất phát từ nguyên nhân khách quan. “Do đó, tôi đề nghị quy định lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ. Lần đầu tiên vào kỳ cuối năm thứ hai và lần thứ hai vào kỳ cuối năm thứ tư. Đây là phương án tối ưu để khắc phục hạn chế của 2 phương án trên” – Đại biểu Lò Hải Ươi nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm này, Đại biểu Trương Thị Thu Trang (đoàn Tiền Giang) cho rằng: Việc lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ hai của nhiệm kỳ là cơ hội để người được lấy phiếu tín nhiệm tự kiểm điểm, đánh giá hiệu quả công tác của mình với những mặt được, chưa được trong thực hiện nhiệm vụ được giao từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm được lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm vào cuối năm thứ tư, có nghĩa là 2 năm sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên sẽ thể hiện khách quan hơn mức độ tín nhiệm của người được lấy phiếu tín nhiệm, thông qua việc xem xét mức độ phấn đấu và hoàn thành nhiệm vụ công tác của mỗi cá nhân sau khi được góp ý tại lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên. “ồng thời đây sẽ là cơ sở hợp lý để thực hiện việc đánh giá, bố trí và phân công công tác cán bộ ở nhiệm kỳ tiếp theo” – Đại biểu Thu Trang nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm lấy phiếu tín nhiệm 2 lần trong một nhiệm kỳ, phân tích ở khía cạnh khác, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, với đại biểu là những người trực tiếp bỏ phiếu sẽ có cơ sở đánh giá chính xác hơn về kết quả thực thi nhiệm vụ, đạo đức, chính trị của những người được lấy phiếu tín nhiệm./.