Trong thảo luận ở Hội trường chiều nay (13/6) về dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35/2012/QH13 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền - Lâm Đồng đã có phát biểu khá thẳng thắn về nội dung này.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền bày tỏ sự không đồng tình với việc đang thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm thì lại dừng. “Bởi vì có nhiều đồng chí có cơ hội rất tốt, ví dụ Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Thống đốc Ngân hàng hoặc Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư và một số Bộ trưởng khác rất tích cực, nếu lần này bỏ phiếu thì chắc phiếu rất cao thì cơ hội của họ mất. Cho nên việc dừng của chúng ta cần phải có sự cân nhắc”.

Thứ hai, theo đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, điều người ta khen thì mình lại sửa, điều người ta chê thì mình lại để lại. “Cử tri rất khen khi Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, nhân dân rất ca ngợi. Đây là một bước tiến mới của Quốc hội thể hiện rõ quan điểm của Quốc hội để đánh giá, nhận xét những người quản lý, những cán bộ, nhưng mình lại đem bỏ đi. 3 mức đánh giá thì người ta rất chê thì mình muốn giữ, vì đương nhiên phiếu cao là cao, phiếu thấp là thấp, có gì phải ghi tín nhiệm cao, tín nhiệm thấp vào đây” – đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nói.

Về việc sửa đổi lần này, Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền cho rằng, theo dự thảo Nghị quyết, thời hạn lấy phiếu tín nhiệm là ít. Nếu một nhiệm kỳ, chúng ta lấy phiếu một lần chưa đánh giá được hết kết quả. “Tôi cho rằng phải lấy 2 lần, vào cuối năm thứ 2 chúng ta lấy phiếu tín nhiệm và cuối năm thứ tư chúng ta bỏ phiếu xem họ có sửa chữa gì không, đồng thời là kết quả để kỳ sau tiếp tục có tín nhiệm họ không. Theo tôi phải 2 lần, nếu lấy phiếu một lần thì không có ý nghĩa gì” – Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nêu quan điểm.

Về mức độ lấy phiếu tín nhiệm trên phiếu là tín nhiệm cao hay tín nhiệm và tín nhiệm thấp, theo Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền, là không hợp lý. “Chúng ta chỉ nên lấy tín nhiệm hoặc không tín nhiệm thôi, anh nào nhiều phiếu là tín nhiệm cao, anh nào ít phiếu là tín nhiệm thấp, anh nào mức độ trung bình là tín nhiệm trung bình, ghi thế này nó phức tạp ra, dân không đồng tình. Dân chê nhất trong lấy phiếu tín nhiệm là cái này nhưng mình giữ lại, cái ca ngợi thì mình lại bỏ đi, lấy mỗi năm một lần thì lại bỏ đi” – Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền nhắc lại.

Vấn đề này đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị cần nghiên cứu thật kỹ và tất cả các đại biểu Quốc hội phải thể hiện ý chí của mình. “Tôi nghĩ thăm dò tín nhiệm không sợ gì cả, mục đích thăm dò là để góp ý, xây dựng. Ví dụ một số đồng chí lần trước tín nhiệm thấp, tôi tin chắc rằng nếu bỏ phiếu lần này các đồng chí sẽ tín nhiệm rất cao, vì trình độ của đại biểu Quốc hội đâu phải thấp, họ nhìn nhận rất rõ những đồng chí có chuyển biến. Theo tôi chỉ nên ghi 2 mức là tín nhiệm và không tín nhiệm, anh nào nhiều phiếu là tín nhiệm cao, ít phiếu là tín nhiệm thấp, không cần phải ghi trong đó”- Đại biểu Bá Thuyền nói.

Về hệ quả lấy phiếu tín nhiệm, có hai phần dự thảo Nghị quyết ghi là trên 50% và trên 2/3. “Theo tôi nên có sự cân nhắc vì nếu như dưới 50% thì phải có thời gian để họ sửa chữa, vì lấy phiếu là để thăm dò, nên để cho họ sửa chữa một thời gian rồi bỏ phiếu đợt hai, nếu thấp thì mới buộc phải từ chức hoặc bỏ phiếu tín nhiệm. Còn nếu 2/3 thì tôi đồng tình. 2/3 không đồng tình thì một là cho từ chức ngay nếu họ tự nguyện từ chức, nếu không thì phải bỏ phiếu tín nhiệm ngay tại kỳ họp đó thì mới có kết quả. Nếu lấy phiếu có một lần thì không có ý nghĩa gì, không có cơ hội để đánh giá tiến bộ hay không, nên phải lấy phiếu hai lần trong một nhiệm kỳ” – Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền kết thúc phần phát biểu./.