Sáng nay (12/10), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018.

Đạt và vượt nhiều chỉ tiêu khó

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch được Quốc hội giao, dự kiến có 8 chỉ tiêu đạt và 5 chỉ tiêu vượt mục tiêu kế hoạch.

Đáng chú ý nhất là mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tốc độ tăng trưởng GDP năm 2017 ước khoảng 6,7%, đạt mục tiêu đề ra. Đây là một cố gắng lớn của Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng, giảm dần dựa vào khai thác tài nguyên, nhất là dầu thô và chuyển hướng sang lấy công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ làm nòng cốt.

nguyen_van_giau2_wqro.jpg
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu
Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đánh giá cao kết quả triển khai thực hiện các chỉ tiêu, cho rằng năm có khởi sắc thực sự và rất thuyết phục. Luật thống kê từ khi có hiệu lực năm 2016 thì số liệu theo chuẩn mực thông lệ quốc tế, giao Tổng cục thống kê làm toàn bộ chứ không giao địa phương, nên việc nghi ngờ giữa các con số về GDP như trước đây gần như không còn nữa. “Về nguyên lý và thực tiễn, tôi không hoài nghi số liệu” – ông Nguyễn Văn Giàu bày tỏ.

Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại cũng nhấn mạnh, để đạt kết quả trên, trước hết cần nhận thấy việc BCH Trung ương Đảng bàn rất kỹ, kết luận và định hướng mục tiêu, giải pháp rất sát và được quán triệt tới các cấp. Phương pháp, cách thức phối hợp hiệu quả của cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp cũng là điểm tiến bộ.

Theo đó, Quốc hội ngoài hoàn thiện pháp luật thì thẳng thắn chỉ ra mảng yếu, trì trệ để giám sát. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp chọn ra mảng, lĩnh vực còn dư địa để tập trung chỉ đạo quyết liệt và cũng đi vào giải quyết cụ thể những mảng hạn chế, và có kết quả như cải cách thủ tục hành chính, giảm nợ văn bản pháp luật,...  Các cơ quan tư pháp cũng đưa các vụ án ra xử lý kịp thời, công khai, minh bạch, đặc biệt là không có vùng cấm, tác động cộng hưởng lớn tới việc tạo lòng tin của doanh nghiệp và người dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đánh giá cáo những kết quả đạt được như báo cáo của Chính phủ, nhất là việc lần đầu tiên trong những năm gần đây đạt và vượt 13/13 chỉ tiêu đề ra, trong đó có chỉ tiêu khó như tăng trưởng, tổng mức đầu tư toàn xã hội và ngay cả vấn đề độ che phủ rừng... Báo cáo cần lý giải yếu tố, điều kiện dẫn đến kết quả trên qua những luận cứ, thực tiễn để trình Quốc hội.

Ông Uông Chu Lưu cũng đặt vấn đề cần phân tích yếu tố, nguồn lực để đảm bảo tăng trưởng 6,7% cả năm, rồi nói nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch tăng trưởng nhưng giá trị tuyệt đối đóng góp vào ngân sách là như thế nào để từ đó lý giải thuyết phục về quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng đánh giá, Chính phủ vừa giải quyết nhiều vấn đề lớn mang tính vĩ mô và cũng quan tâm xử lý nhanh vấn đề cụ thể được dư luận quan tâm, nhân dân bức xúc, như chấn chỉnh việc cấp biển số xanh cho doanh, đóng cửa rừng, chấn chỉnh khai thác cát sỏi, tinh giản biên chế ở một số bộ, xử lý 12 dự án thua lỗ; đẩy mạnh điều tra, tuy tố, xét xử nhiều vụ án lớn.

Thanh tra rồi thì phải có kết luận

Nhấn mạnh cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện, công khai vi phạm, không có vùng cấm để tác động nâng cao lòng tin của nhân dân, Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cũng thẳng thắn nêu quan điểm, việc thông tin về những vấn đề xã hội cũng cần nhiều, trúng và đúng để dư luận rõ. Ví dụ các dự án BOT giao thông đường bộ phải đánh giá mặt được, sự nỗ lực của doanh nghiệp nhưng cũng cần chỉ ra khuyết điểm trong quản lý. Điều này người dân và doanh nghiệp dễ chấp nhận nhưng với điều kiện chúng ta phải cung cấp đầy đủ thông tin và minh bạch.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga

Đề cập vấn đề thanh kiểm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, có nhiều đánh giá việc chấp hành quy định pháp luật về thanh tra chưa nghiêm, nhất là thời hạn công bố kết luận thanh tra vi phạm nhiều, có cuộc vi phạm từ 6 tháng đến 24 tháng.

“Điều đó dẫn đến dư luận bức xúc vì thanh tra rồi thì phải có kết luận, quan điểm thế nào. Kéo dài thì doanh nghiệp không làm ăn được, cá nhân mất uy tín, nghi ngờ lẫn nhau. Chính phủ cần chỉ đạo rà soát việc chấp hành thời hạn công kết luận thanh tra. Bộ nào chưa thì làm rõ để công bố cho dư luận rõ” – Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nêu ý kiến.

Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ thì lưu ý về tình hình an ninh, trật tự và đề nghị cần đánh giá rõ hơn, nhất là các loại tội phạm, tham nhũng, tình trạng chống người thi hành công vụ.

Cũng đề cập tới các trạm BOT giao thông đường bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh chú ý rà soát và cái gì không đúng thì cần chấn chỉnh để đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân. Và nếu không quan tâm giải quyết triệt để thì còn tiềm ẩn sự phức tạp.

“Kiểm tra xem khoảng cách, giá vé rồi địa điểm vị trí đặt đúng chưa? Để giải quyết triệt để thì không chỉ giảm giá vé mà trạm đặt chưa đúng thì phải điều chỉnh, vì nếu không thì có êm xuống một thời gian lại bùng lên nếu vị trí đặt không hợp lý” – ông Đỗ Bá Tỵ nói./.