Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3 tăng 7,46%. Đây là mức tăng cao kỷ lục trong khoảng 10 năm trở lại đây và góp phần đưa GDP 9 tháng qua đạt 6,41% và hướng tới mục tiêu tăng trưởng 6,7% của cả năm.

vov_lam_phat_iyhc.jpg
9 tháng qua, lạm phát được kiểm soát tốt theo mục tiêu Quốc hội đặt ra

Tuy nhiên, theo dự báo mới đây của một số tổ chức kinh tế thế giới, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay sẽ chỉ dừng lại ở con số 6,3%. Vậy liệu mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đặt ra có đạt được?

Tổng sản phẩm trong nước 9 tháng qua ước tính tăng 6,41% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, GDP quý 3 đạt mức tăng kỷ lục 7,46%. Bức tranh kinh tế có nhiều khởi sắc với tốc độ tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, ba lĩnh vực chính của nền kinh tế đều có mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, ngành nông, lâm, ngư nghiệp đã có sự đóng góp nổi bật do quá trình chuyển đổi cơ cấu; tương tự, ngành công nghiệp, xây dựng cũng có mức đóng góp quan trọng vào nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tăng trưởng đến 12,8%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất của ngành này trong nhiều năm qua.

Bên cạnh đó, xuất khẩu tăng cao, thu hút khách quốc tế và đầu tư nước ngoài đạt khá. Tính chung trong 9 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 154 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cấp mới, tăng thêm và đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 9 tháng tăng 3,79% so với bình quân cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết: Chuyển đổi cơ cấu trong khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đã tạo ra giá trị của sản phẩm nông – lâm nghiệp – thủy sản tăng lên rất mạnh và giúp đảm bảo ổn định tiêu thụ cho các sản phẩm này. Hiệu quả của nhà nước kiến tạo cũng tạo ra niềm tin trong sản xuất kinh doanh.

Mới đây, Diễn đàn kinh doanh thế giới đã nâng hạng cạnh tranh của Việt Nam lên 5 bậc và tăng 20 bậc trong 5 năm gần đây. Đó là điểm rất sáng. Một điểm sáng nữa cũng giúp cho tăng trưởng của nền kinh tế đó là xuất khẩu. Trong 2 tháng 8-9, lần đầu tiên xuất khẩu của Việt Nam đạt trên 19 tỷ USD, góp phần giúp nền kinh tế có mức tăng trưởng ngoạn mục.

Cùng với đó, môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Việc Chính phủ thể hiện rõ quyết tâm về việc xây dựng một Chính phủ kiến tạo, cắt giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đã giúp cho số doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng qua lập kỷ lục với gần 94 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới; tổng số vốn đăng ký mới, tăng thêm và bổ sung vào nền kinh tế là hơn 2 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, nền kinh tế nước ta 9 tháng qua vẫn đối mặt với những khó khăn, thách thức như công nghiệp khai khoáng tiếp tục sụt giảm, sản xuất nông nghiệp có dấu hiệu chững lại, tiến độ thu ngân sách Nhà nước, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.

Các chuyên gia kinh tế cảnh báo: việc Chính phủ nỗ lực giảm bội chi ngân sách, trong đó có việc giảm chi tiêu công nhằm giãn áp lực đối với nợ công có khả năng làm giảm chi tiêu đầu tư cơ bản và nếu không được cân đối có thể sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả tăng trưởng trong dài hạn.

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phân tích: Giải ngân vốn đầu tư như một biện pháp tăng cầu. Biện pháp quan trọng hơn trong giải ngân vốn đầu tư là phải tăng chất lượng nguồn cung. Cho nên cần nhấn mạnh nhiều hơn đến hiệu quả đầu tư công hơn là gia tăng số lượng đầu tư. Không nên quá vội vàng trong việc phải giải ngân và tạo áp lực giải ngân dẫn tới giải ngân mà không chú ý tới hiệu quả mà nên chú ý tới hiệu quả rồi mới giải ngân.

Với những khó khăn này, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống mức 6,3% thay vì 6,5% trước đó. Còn trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới tiếp tục giữ mức dự báo tăng trưởng 6,3% trong năm nay cho nền kinh tế Việt Nam.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, những nỗ lực gần đây để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng ngân hàng bằng việc hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục có thể làm gia tăng rủi ro trong lĩnh vực tài chính, nhất là khi tính tới khối lượng lớn các khoản nợ xấu còn tồn đọng.

Ông Sebastian Ekardt, Chuyên gia kinh tế trưởng, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khuyến cáo, Việt Nam cần tìm ra các giải pháp để bảo đảm tăng trưởng bền vững, đặc biệt là liên quan đến chính sách tăng trưởng tín dụng ngân hàng.

Ông Sebstian Ekardt, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam

Chuyên gia này nhận định: Việt Nam cần có những chính sách kinh tế cẩn trọng hơn nhất là trong bối cảnh nền kinh tế đang có đà tăng trưởng tốt như hiện nay. Nếu Việt Nam muốn duy trì đà tăng trưởng, cần củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tái tạo khoảng đệm chính sách và coi đây là ưu tiên hàng đầu. Giảm thâm hụt tài khóa sẽ giúp kiềm chế rủi ro về bền vững tài khóa và tạo khoảng đệm tài khóa nhằm đối phó với các cú sốc có thể xảy ra trong tương lai.

Bên cạnh đó, ông Sebastian Ekardt cho rằng, cần xây dựng không gian gian chính sách cần thiết như tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh; tăng cường các quy định và giám sát chất lượng khoản vay.

Theo tính toán của Tổng cục thống kê, để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay thì tăng trưởng của quý 4 phải đạt 7,31%. Đây là một mức khá cao, chưa từng có trong lịch sử số liệu tăng trưởng của Việt Nam. Do đó, nhiệm vụ trong những tháng cuối năm còn rất lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của tất các ngành, các cấp, các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, không nên quá chú trọng đến con số tăng trưởng mà nên quan tâm nhiều hơn tới chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình tăng trưởng. Việt Nam cần tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; kiến tạo và tạo lập một hệ thống doanh nghiệp trong nước đủ mạnh, đủ sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập hiện nay. Nếu duy trì tốt đà tăng, mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Quốc hội đặt ra có thể sẽ đạt được./.