Với tinh thần Đại hội Đảng XII vừa rồi, đặc biệt vấn đề nhân sự đã được chuẩn bị kỹ lưỡng để chọn ra những người có nhiều khả năng, đáp ứng được sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập, TS. Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy Ban đoàn kết công giáo TP. Hà Nội hy vọng bầu cử lần này sẽ chọn được những vị ĐBQH có bản lĩnh, có chính kiến trước những quyết sách quan trọng của đất nước chứ không phải chỉ ngồi và cứ ấn nút thông qua.
PV: Thưa ông, trong các kỳ họp gần đây, số lượng người tự ứng cử ĐBQH ngày càng tăng. Điều này cũng thể hiện sự dân chủ trong bầu cử ở nước ta. Tuy nhiên, số lượng người tự ứng cử trúng cử ĐBQH lại rất hạn hữu, đếm trên đầu ngón tay. Theo ông nguyên nhân do đâu?
TS. Phạm Huy Thông: Quyền ứng cử và bầu cử ĐBQH đã được Hiến pháp quy định và Luật Bầu cử Quốc hội cũng quy định 5 tiêu chuẩn mà người tự ứng cử có thể tham gia ứng cử vào cơ quan quyền lực của Nhà nước. Nếu xét đủ 5 điều kiện ấy thì quyền ứng cử không có vấn đề gì nhưng có lẽ ở nước ta vẫn chưa quen với chuyện đó.
TS. Phạm Huy Thông, Phó Chủ tịch Ủy Ban đoàn kết công giáo TP. Hà Nội |
Theo tôi, việc này có hai lý do: Thông thường những kỳ bầu cử phải qua các bước hiệp thương giới thiệu và những người này nếu không được giới thiệu thì về mặt dư luận xã hội và cảm tính cử tri cho rằng họ là những người uy tín thấp nên không bỏ phiếu.
Có thể cả quy trình của mình cũng chưa quen với kiểu đó nên từ khâu tiếp xúc cử tri nơi cư trú cho đến các khâu về thủ tục hành chính đôi khi làm cho người tự ứng cử cảm thấy bị gây áp lực, gây khó khăn.
Thứ 2 tôi cho rằng một số người tự ứng cử cũng chưa nhận thức đúng được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, có người tự ứng cử vì phong trào, có người thích nổi danh… Báo chí khi phỏng vấn viết bài cũng nên có chính kiến và chứng cớ rõ ràng, không quy chụp họ.
Hiện nay chúng ta có khoảng 2.000 người Việt Nam ở nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam cũng mong muốn được tự ứng cử nhưng không biết ứng cử ở đâu vì họ không có tổ chức Mặt trận để giới thiệu. Vì vậy, nhiều Việt kiều cũng đã có thư gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội bày tỏ nguyện vọng muốn được tự ứng cử phải làm thế nào. Đây là việc khó nhưng trong xã hội tương lai xu thế tự ứng cử là tất yếu, sẽ có nhiều người nhận thức được quyền ứng cử của mình và họ cũng sẽ có chọn lựa phù hợp.
PV: Thưa ông, trong việc tự ứng cử ĐBQH, người tự ứng cử có gặp khó khăn như thế nào so với với các đại biểu được giới thiệu?
TS. Phạm Huy Thông:Đối với người tự ứng cử, Hiệp thương bước một họ không lo vì vì Luật bầu cử quy định không được biến các buổi ra mắt cử tri ở cơ sở thành các buổi kiểm điểm, đấu tố. Trước đây cũng có thể do cách làm, nên nhiều cuộc họp cử tri biến thành các buổi “đấu tố” người tự ứng cử không gần dân, không đi họp tổ dân phố…
Tuy nhiên, những người tự ứng cử lại đang lo lắng cho vòng hiệp thương thứ 3, tức là hiệp thương tại MTTQ các cấp. Tại vòng hiệp thương này các ứng viên không có mặt ở đó và họ sợ rằng trong những buổi như vậy mà họ không có vai vế trong các tổ chức thì khi đưa ra để lấy phiếu sẽ bị thất thế. Vì vậy, gần đây nhiều ứng cử viên tự do cho rằng phải có quá trình giám sát tất cả các khâu đặc biệt là khâu hiệp thương vòng 3 cho đến khâu bầu cử, kiểm phiếu.
Có những kiến nghị theo tôi là xác đáng vì trước đây vẫn xảy ra việc bầu cử hộ, bầu thay, nhất là ở nông thôn, một người đi bầu cho cả nhà 7-8 người. Năm nay họ đề nghị phải giám sát để phát hiện ra những trường hợp đi bầu cử thay, những ai không về được thì bầu cử luôn ở nơi họ đăng ký lao động. Bỏ phiếu hộ kiểu sẽ phần nào gây ra tình trạng thiếu khách quan trong bầu cử.
Tuy nhiên, có những khâu họ đề nghị cũng khó có khả năng thực hiện được. Đó là giám sát quá trình kiểm phiếu, vì kiểm phiếu là hoạt động độc lập của Ban kiểm phiếu, việc cho ai giám sát và giám sát như thế nào cũng là cả quá trình cần phải tính toán với tiến tới thực hiện được.
Việc kiểm phiếu hiện nay cũng cần thay đổi, bản thân tôi cũng đi tham gia các tổ bầu cử, cũng biết quy định 6h tối kết thúc bầu cử nhưng các nơi đều làm sớm và ngồi chờ đến 6h mới nộp về thành phố. Vì vậy, thành phố cùng một lúc tiếp nhận mấy chục đơn vị bầu cử, không thể kiểm phiếu ngay được.
PV: Có một thực tế, trong các kỳ bầu cử trước, rất nhiều người tự ứng cử đã tham gia vận động hành lang, thậm chí có những hành động gần như mua chuộc cử tri nhưng sau khi trúng cử tư cách của vị đại biểu đó lại có vấn đề, buộc Quốc hội phải bãi nhiễm tư cách. Theo ông làm thế nào
TS. Phạm Huy Thông: Luật bầu cử cho phép các cá nhân được đi tiếp xúc, vận động theo khuôn khổ luật pháp. Trước đây cũng có đại biểu khi đi vận động cử tri kiểu này và thực tế họ đã trúng cử.
Tôi rất không ủng hộ việc này vì nó không minh bạch, bản thân các đại biểu muốn trúng cử phải có cái tâm trong sáng, bằng cương lĩnh ứng cử của mình để thuyết phục cử tri chứ không thể “kiếm lá phiếu” bằng quà cáp”.
PV: Với tư cách là người đại diện cho tiếng nói của đồng bào Công giáo Thủ đô, ông có kỳ vọng gì vào các ĐBQH và đại biểu HĐND khóa tới?
TS Phạm Huy Thông: Tôi và bà con công giáo Hà Nội kỳ vọng vào tinh thần Đại hội Đảng XII vừa rồi, đặc biệt vấn đề nhân sự đã được bầu chọn kỹ lưỡng để chọn ra những người có nhiều khả năng, đáp ứng được sự phát triển của đất nước trong thời kỳ hội nhập. Đặc biệt, sau khi Bô chính trị phân công nhiệm vụ cho 2 tân Bí thư tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, TP. HCM thì chúng ta thấy đó đều là những người lãnh đạo gần dân, sát dân.
Với tinh thần đó, kỳ bầu cử Quốc hội lần này, tôi tin chúng ta sẽ chọn được những người xứng đáng như vậy, những người gần dân, sát dân, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân để phản ánh tới cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước là Quốc hội. Đặc biệt, những vị ĐBQH được bầu chọn kỳ này phải là những người có bản lĩnh, có chính kiến trước những quyết sách quan trọng của đất nước chứ không phải chỉ ngồi và cứ ấn nút thông qua.
PV: Xin cảm ơn ông./.