Theo Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, việc tổ chức Hội nghị hiệp thương lần thứ 2 để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH, HĐND được tổ chức trong khoảng thời gian từ 16/3 đến 18/3.

Tổ chức Hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND được tổ chức từ 20/3 đến 12/4.

Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 được tổ chức trong khoảng thời gian từ 13/4 đến 17/4/2016.

ĐBQH phải là người nói được tiếng nói của quần chúng

Quan tâm đến tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội,  GS Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Tôn giáo (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) cho rằng, trong quá trình hiệp thương chúng ta phải đảm bảo đủ cơ cấu, thành phần, số lượng. Tuy nhiên nếu chúng ta quá phụ thuộc vào cơ cấu, thành phần thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của ĐBQH. 

do_quang_hung_hnwk.jpg
GS Đỗ Quang Hưng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn về Tôn giáo

Theo GS Đỗ Quang Hưng ĐBQH phải là người nói được tiếng nói của quần chúng, tức là phải có trí tuệ, trình độ. “Nếu chúng ta không lưu tâm đến điểm này thì rõ ràng chất lượng chưa cao. Chính vì thế người ta phải giải quyết bằng nhiều phương thức, trong đó có việc đẩy mạnh tỷ lệ của các đại biểu chuyên trách”- GS Đỗ Quang Hưng nói.

GS Đỗ Quang Hưng cho rằng, trong lần bầu cử này có mấy việc có thể làm được đó là không máy móc trong việc tiêu chuẩn và có linh hoạt cần thiết. Nếu đại biểu nào đó mà người ta tương đối đủ phương diện mà các tổ chức như Mặt trận phát hiện thì có thể đề xuất. 

“Theo tôi trong Quốc hội cần xem xét trình độ đích thực. Trong tiêu chuẩn ĐBQH có những tiêu chuẩn bất thành văn. Ví dụ, trình độ ĐBQH thấp nhất phải tốt nghiệp phổ thông nhưng không nhất thiết phải như vậy vì có những trường hợp cá biệt là thủ lĩnh của một tộc người nào đó họ rất có trình độ, có khả năng thể hiện được ý nguyện, khả năng trí tuệ, trí thức… nhưng họ không có bằng phổ thông thì vẫn có thể bồi dưỡng họ thành ĐBQH được”- GS Đỗ Quang Hưng nói. 

Cần phải khuyến khích những người tự ứng cử ĐBQH

Để có danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử, Mặt trận sẽ qua 3 lần hiệp thương. Nhấn mạnh vai trò của Mặt trận để qua những lần hiệp thương có thể phát hiện giới thiệu được những người tài đức để có thể đóng góp tốt hơn cho hoạt động của Quốc hội, GS Đỗ Quang Hưng cho rằng, có một quan điểm chung mà Mặt trận rất quán triệt đó là càng làm cho Quốc hội mở rộng thành phần đại biểu trong các tầng lớp nhân dân thì càng phản ánh trung thực nhất các tương quan xã hội và chuyển biến xã hội là điều càng tốt. 

“Mặt trận cân nhắc thêm trong cái gọi là tiêu chuẩn để đáp ứng mong muốn của Mặt trận là mở rộng các nguồn lực xã hội trong Quốc hội. Mặt trận cần phát huy chức trách này. Đến một lúc nào đó cần bổ sung việc Mặt trận tham gia vào ngay từ việc bàn tiêu chuẩn ĐHBQ sao cho thích hợp. Tôi theo dõi các đại biểu của các tôn giáo, dân tộc thấy rõ rất nhiều người sau khi đã phân bổ thì số lượng không trúng cũng không ít. Không trúng có thể do bản thân đại biểu đó trong con mắt đám đông, cử tri chưa đủ điều kiện nhưng cũng có thể những đại biểu không trúng là do công tác tuyên truyền giới thiệu của chúng ta. Cá nhân tôi cho rằng, việc này chỉ có Mặt trận làm là tốt nhất cùng với các phương tiện báo chí truyền thông. Bởi thời gian cử tri tiếp cận với đại biểu đó hạn chế lắm. Ở nước ngoài, một người ứng cử mặc nhiên ngoài tổ chức của họ ra thì họ phải giới thiệu mình trước đám đông. Ở ta thì không có điều kiện hoặc rất ít điều kiện làm được như vậy. Cho nên, nếu chúng ta muốn có những ĐBQH tốt phù hợp thì chúng ta phải tác động cả vào khâu tuyên truyền giới thiệu họ cho tốt”.

GS Đỗ Quang Hưng cho biết, qua thực tiễn tham gia hiệp thương từ khóa trước có nhiều trường hợp khá suôn sẻ. Suôn sẻ là khi mong muốn của Mặt trận và của địa phương cùng các ban ngành gặp nhau, nhưng để tìm được người có tài có đức có khả năng năng lực để làm ĐBQH là rất khó. Hiện nay việc tự ứng cử ngày càng được xem xét và khuyến khích nhưng cần phải làm tốt hơn.

“Một vấn đề nữa là trong những trường hợp đặc biệt khi hiệp thương. Nếu giới thiệu những đại biểu có thể có vài điểm dưới tiêu chuẩn thì Mặt trận phải thuyết phục địa phương cùng với địa phương làm công tác giới thiệu tuyên truyền về họ. Ví dụ trong đại biểu tôn giáo tôi mong muốn có một vị đại diện là người Hồi giáo. Điều này rất tốt cho chính trị, đoàn kết dân tộc cũng như quốc tế nhưng muốn có được cái đó chúng ta phải có sự đầu tư ngay từ bây giờ, nhắm vào ai, vận động chính quyền địa phương như thế nào, tôn giáo địa phương tuyên truyền, giới thiệu về họ ra sao thì đến khi bắt đầu vào cuộc bầu cử người ta mới không bỡ ngỡ. Cho nên vấn đề rất quan trọng là công tác giáo dục tuyên truyền. Bởi nghĩ cho cùng nhiều thứ đang phụ thuộc vào nhận thức của đám đông. Nói đơn giản bây giờ một mặt hàng mới, lạ nếu như không có quảng cáo  tốt đôi khi cũng khó hấp dẫn và thu hút người tiêu dùng”- GS Đỗ Quang Hưng phân tích.

Theo GS Đỗ Quang Hưng, chuyện lựa chọn ĐBQH một mặt nào đó cũng có yếu tố như vậy. Cùng là hiện tượng xã hội, sinh hoạt xã hội nên nó có những quy luật của nó với nhu cầu, lựa chọn. Cho nên tuyên truyền rất quan trọng nhằm định hướng cho cử tri, để người đi bầu nhận thức đúng, người ta sẽ có lựa chọn tốt và khách quan hơn trong lá phiếu của mình./.