“Tòa án cần có quyết định công nhận hòa giải thành”- đây là ý kiến của đa số chuyên gia tư vấn khi góp ý dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi). Hội nghị do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao tổ chức sáng nay (20/1) tại Hà Nội.

Tại hội nghị, các chuyên gia tư vấn cho rằng: Dự thảo Bộ Luật tố tụng dân sự (sửa đổi) được chuẩn bị công phu, có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các điều hiến định về bảo vệ quyền con người và quyền lợi hợp pháp của công dân. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, Bộ luật cần làm rõ hơn các bất cập hiện nay như: các nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, bình đẳng giữa công dân, cá nhân với cơ quan nhà nước, đơn vị quốc doanh và đơn vị của tư nhân.  Đồng thời, cần có chế định hòa giải giữa các bên đương sự, chế định pháp lý khi hòa giải thành, không hòa giải thành.

Ông Nguyễn Đắc Thắng, nguyên Chánh Tòa Lao động, Tòa án nhân dân Tối cao cho rằng:  “Công nhận hòa giải thành rất cần thiết, vì khi anh em làng xóm, bạn bè giải quyết xong mở lòng, mở dạ không phải kiện tụng. Cho nên có hòa giải, bạn bè bảo nhau, những người lớn có kinh nghiệm, thống nhất với nhau thì việc công nhận không có gì khó khăn”.

Nhiều chuyên gia cũng tán thành xét xử rút gọn 2 cấp. Luật sư Lê Đức Tiết, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ- Pháp Luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nêu ý kiến: “Công lý bị trì hoãn, cho nên vấn đề xét xử khắc phục tình trạng hiện nay đi lại nhiều vòng. Chúng tôi thấy hiện nay dân kêu nhiều nhất là các vụ án dân sự, có vụ án 10 năm, 20 năm chưa thi hành được. Làm sao xét xử rút gọn cả hình sự tố tụng, dân sự tố tụng, lao động tố tụng, dân sự tố tụng, áp dụng được thủ tục rút gọn là thực hiện được công lý công bằng”.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng cho ý kiến về vai trò của viện kiểm sát trong phiên tòa dân sự; quyền tố tụng của MTTQ; về định giá tài sản công; việc tòa có nên công bố hợp đồng công chứng vô hiệu hay không./.