Thảo luận về kết quả 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, trong đó có công tác phòng chống dịch, đại biểu Quốc hội dành quan tâm đặc biệt tới diễn biến dịch bệnh, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống sức khỏe, tính mạng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Dẫn số liệu trong 6 tháng đầu năm bình quân mỗi ngày có 400 doanh nghiệp phải rút lui khỏi thị trường, tăng 2,49% trong cùng kỳ năm 2020, đại biểu Nguyễn Như So, đoàn Bắc Ninh, cho rằng sức khỏe của doanh nghiệp yếu đi đồng nghĩa với việc động lực cho tăng trưởng suy giảm.
Để chiến thắng cả hai mặt trận y tế và kinh tế, đặc biệt là tăng cường sức đề kháng của nền kinh tế, chuẩn bị đủ năng lực ứng phó dịch bệnh kéo dài, từ đó tăng cường tiềm lực để phục hồi kinh tế ngay khi dịch bệnh được khống chế, không để nền kinh tế rơi vào suy thoái, đại biểu kiến nghị cần phải rà soát, đánh giá, nâng cao hiệu quả của gói hỗ trợ thông qua việc lựa chọn đúng trọng tâm, đúng đối tượng, phân loại ngành nghề, quy mô có điều kiện, tiêu chí, tránh lãng phí, trục lợi chính sách hỗ trợ rủi ro về đạo đức.
Đại biểu cũng nhấn mạnh cần phải tập trung hỗ trợ đòn bẩy cho các doanh nghiệp đang nỗ lực và duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp có khả năng phục hồi cơ hội phát triển, tạo điều kiện hiệu ứng lan tỏa, tránh tích lũy trục cung ứng. Chú trọng phát triển khu vực tư nhân đổi mới năng động, sáng tạo; Tiếp tục tháo gỡ rào cản về thể chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư cho cơ hội bỏ vốn, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ, tránh lãng phí nguồn lực của xã hội.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Xuân, đoàn Đắk Lắk, do tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường, mặc dù chúng ta kiên định thực hiện mục tiêu kép nhưng có thể thấy rõ tình hình sản xuất, kinh doanh nói chung rất khó khăn. Nguồn thu ngân sách không vững chắc, có thể suy giảm không chỉ năm nay mà còn cả những năm sau. Do vậy, lúc này rất cần sự tiết kiệm chi ngân sách là việc làm rất cần thiết.
Đại biểu cho rằng, mặc dù đã giao dự toán ngân sách năm 2021 nhưng Quốc hội, Chính phủ vẫn cần tính toán để tiết kiệm tối đa các khoản chi thường xuyên chưa cần thiết, giảm thiểu các hội họp, hội thảo, đi công tác đông người, tạm dừng các dự án đầu tư công chưa thiết thực, không trọng điểm, tập trung các nguồn tiền để phục vụ cho cuộc chiến phòng, chống dịch.
Cụ thể là tập trung tiền để mua vaccine cũng như sản xuất vaccine trong nước. Bố trí đủ kinh phí mua sắm trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế cho hệ thống phòng, chống dịch bệnh toàn quốc, bao gồm các bệnh viện, các Trung tâm y tế từ Trung ương đến các xã, phường, đến các cơ sở quân y và y tế công an các cấp, tạo thành thế trận phòng, chống dịch Covid-19 toàn diện, phủ kín cả nước. Đây cũng chính là điều kiện vật chất để thực hiện phương châm 4 tại chỗ và thực hiện phương án 4 tầng, 5 tầng trong công tác phòng chống dịch mà một số địa phương đang nghiên cứu áp dụng.
Cùng lo lắng với nhiều đại biểu, từ đây đến cuối năm chưa biết dịch bệnh sẽ ra sao, sản xuất kinh doanh có được khả năng phục hồi hay vẫn còn bỏ ngỏ, đại biểu Phạm Văn Hòa, đoàn Đồng Tháp nêu rõ, hơn lúc nào hết phải thực hiện cho được mục tiêu kép là khôi phục nền kinh tế và ngăn ngừa có hiệu quả dịch Covid-19, ổn định đời sống sinh hoạt của người dân trở lại trạng thái bình thường, đảm bảo an sinh xã hội, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Nỗ lực tiêm vaccine rộng rãi trong nhân dân và khuyến khích xã hội hóa việc tiêm vaccine có kiểm soát, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhập vaccine và có kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh tiến độ sản xuất vaccine trong nước, đủ sức cung ứng cho nhu cầu tiêm chủng của người dân nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Có như thế mới ổn định tâm lý cho cộng đồng dân cư. Đồng thời, quan tâm đầu tư trang thiết bị y tế cho phòng, chống dịch khám chữa bệnh, nhân viên y tế cho những địa phương dịch bùng phát bị khan hiếm nhân lực. Hạn chế tối thiểu bệnh nhân bị tử vong do Covid.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cũng đề nghị có cơ chế tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong hoạt động, bị ngưng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng. Có chính sách miễn, giảm thuế, giãn nợ, khoanh nợ và tạo điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh trong điều kiện dịch bệnh đã được kiềm chế, ngăn ngừa, nhằm cho người lao động có việc làm, có thu nhập ổn định trong cuộc sống./.