Nghị quyết 1140/2016/UBTVQH13 dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH khóa XIV và số lượng người của các cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương và địa phương được giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XIV đã đưa ra cơ cấu, thành phần được dự kiến phân bổ là: các cơ quan Đảng 11 đại biểu; cơ quan Chủ tịch nước 3 đại biểu; các cơ quan của Quốc hội (ĐBQH chuyên trách ở Trung ương) 114 đại biểu, trong đó dự kiến khoảng 20% đại biểu là phụ nữ và khoảng 10% đại biểu là người dân tộc thiểu số; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ là 18 đại biểu, phấn đấu có đại biểu là phụ nữ và đại biểu là là người dân tộc thiểu số…

Đi họp Quốc hội hết, hoạt động cơ quan sẽ như thế nào?

Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, ông nhất trí cao với việc nên tăng cường lực lượng chuyên trách vì lực lượng chuyên trách nhiều sẽ xây dựng luật tốt hơn và gắn với thực tiễn.

ong_le_truyen_jikg.jpg
Ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 
Tuy nhiên, ông Truyền cho rằng, nên cân nhắc cơ cấu để cho phù hợp với tình hình thực tế. Ông Truyền dẫn ví dụ, theo cơ cấu thành phần ĐBQH thì trong Văn phòng Chủ tịch nước là 3 đại biểu Quốc hội và các đại biểu này thường gồm Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước và Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước. “Một cơ quan như vậy có 3 lãnh đạo vào Quốc hội liệu có hợp lý. Nếu thực hiện nghiêm túc chế độ hội họp, thì cả 3 người đều đi họp hết thì không biết cơ quan này sẽ hoạt động như thế nào?. Thực sự ở một cơ quan như vậy có cần số lượng ĐBQH nhiều đến như thế không?”.

Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM bày tỏ phấn khởi vì trong cơ cấu thành phần lần này, số đại biểu chuyên trách tăng lên. Đại biểu chuyển trách là những người có điều kiện để làm tròn trách nhiệm của Đại biểu Quốc hội.

Ông Trần Hoàng Thám mong muốn số đại biểu ở cơ quan hành pháp giảm xuống nữa vì trong cơ quan hành pháp các đại biểu ít có thời gian. “Cơ quan hành pháp chỉ cần 9 người là đủ. Phần giảm số đại biểu cơ quan hành pháp nên để tăng cho đại biểu chuyên trách và các tổ chức chính trị-xã hội”.

Nhiều đại biểu không phát huy được vai trò ĐBQH

Quan tâm đến cơ cấu thành phần chung của đại biểu Quốc hội, ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, một số cơ cấu ngay từ đầu phải có sự phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và MTTQ Việt Nam.

Theo ông Hà Văn Núi, về cơ cấu đại biểu nữ, các khóa đều đạt từ 25%, ví dụ khóa XI là 27%, khóa 12 là 25%, khóa 13 là 24,4%... Việc tỷ lệ đại biểu nữ cao trong Quốc hội thể hiện sự bình đẳng giới tuy nhiên khi bầu cũng nên chú ý đến chất lượng đại biểu.

Ông Hà Văn Núi, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam

“Đừng nên để đại biểu nữ và đại biểu dân tộc là đại biểu kết hợp nhiều quá. Tôi đã tham khảo tài liệu và thấy đại biểu dân tộc khóa XIII có 78 người, trong đó có 39 nữ, bằng 50%. Trong số 122 đại biểu nữ của khóa XIII có 39 đại biểu nữ dân tộc thiểu số. Cơ cấu đại biểu dân tộc, nữ chiếm rất cao, như thế là rất bình đẳng giới. Nhưng trên thực tế, đại biểu nữ dân tộc luôn luôn đại diện cho rất nhiều thành phần như: đại diện cho dân tộc, cho nữ, cho người trẻ, cho người ngoài Đảng… Cho nên dẫn đến việc trong thời gian vừa qua có một số khá nhiều đại biểu không phát huy được vai trò tiếng nói của mình trong Quốc hội. Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Ủy ban bầu cử Trung ương, Thường vụ Quốc hội và các cơ quan liên quan nên cân nhắc để đưa cơ cấu nhưng phải làm thế nào đảm bảo chất lượng đại biểu”- ông Núi đề nghị.

Bà Nguyễn Thị Nương, Trưởng ban Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nương cho biết, theo chỉ thị của Bộ Chính trị, trong nhiệm kỳ này cố gắng trong danh sách giới thiệu trong danh sách ứng cử có 35% đại biểu là phụ nữ, cố gắng bầu đạt 30%. Đây cũng là một con số với quyết tâm cao để có được bình đẳng giới tốt hơn. “Chúng tôi đã phối hợp với các đơn vị liên quan, Hội LHPN Việt Nam để giới thiệu những người đạt tiêu chuẩn và đưa được tỷ lệ này lên”.

Theo ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội, trong quá trình chuẩn bị cơ cấu thành phần và số lượng ĐBQH cũng đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với các cơ quan liên quan và Thương vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Trung ương trên cơ sở kết luận của Bộ Chính trị theo tinh thần Hội nghị Trung ương 12, khóa XI về dự kiến cơ cấu, thành phần ĐBQH. Nhưng qua Hội nghị hiệp thương lần 1 và thực tiễn các cuộc bầu cử Quốc hội trước đây, nhu cầu phát huy dân chủ XHCN, cần phải tính thêm một số điểm cho phù hợp hơn với yêu cầu của tình hình mới.

“Về tăng đại biểu chuyên trách, trong dự kiến và trong luật cũng đã nói rõ ví dụ đại biểu chuyên trách ở Trung ương so với khóa XIII tăng thêm 15 người, ở địa phương có đông cử tri và số ĐBQH nhiều thì đại biểu chuyên trách ở các đoàn ĐBQH cũng tăng lên, ví dụ như ở HN, TP HCM, Nghệ An… đại biểu chuyên trách là 4 người chứ không phải là 2 người như trước đây”- ông Uông Chu Lưu nói.

Ông Uông Chu Lưu cũng thừa nhận cơ cấu về đại biểu Quốc hội ở các cơ quan Quốc hội, đoàn thể Mặt trận, cơ quan hành pháp, hành chính… cũng còn chưa phù hợp. Ví dụ Quốc khóa XII vẫn có 18 vị ở trong Chính phủ, cơ quan hành chính và khóa XIV này dự kiến cũng giữ nguyên con số này.

Đề nghị bớt ĐBQH ở các cơ quan này chúng tôi xin ghi nhận để báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Bộ Chính trị. Việc giảm ĐBQH ở cơ quan hành chính ở địa phương và tăng các ban của Mặt trận, khối dân cử cũng nên là định hướng cho quá trình hiệp thương lần 2” - ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh./.