Tại hội nghị Hiệp thương lần thứ nhất bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV các Ủy viên Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam đã có nhiều ý kiến liên quan đến dự kiến cơ cấu, thành phần, số lượng bầu ĐBQH khóa XIV.

Phải lựa chọn những đại biểu đạt tiêu chuẩn

Bà Hà Thị Liên, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, dự kiến cơ cấu, thành phần phải bảo đảm yêu cầu cao nhất là tiêu chuẩn ĐBQH, tránh tình trạng có ĐBQH được bầu đúng thành phần nhưng bao nhiêu khóa “không có tiếng nói nào”.

“Phải lựa chọn những đại biểu đạt tiêu chuẩn, vì nhiều đại biểu được bầu cho đủ cơ cấu, số lượng nhưng không có đóng góp gì cho Quốc hội, làm cho Quốc hội yếu đi. Nhiều khi cứ bầu cho đủ cơ cấu là nữ, là người dân tộc… nhưng có người đi họp bao nhiêu khóa mà không thấy phát biểu gì”.

do_duy_thuong_soqo.jpg
Ông Đỗ Duy Thường

Ông Đỗ Duy Thường, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, Đại hội Đảng XII vừa qua, số dư bầu rất cao, được nhân dân đánh giá là tính dân chủ cao. Vì vậy, cần phát huy điều này trong cuộc bầu cử ĐBQH và HĐND lần này. “Bây giờ chúng ta mở rộng dân chủ, đề cao tiêu chuẩn người ứng cử, cơ cấu thành phần là rất cần thiết, nhưng tiêu chuẩn là quan trọng. Cần bảo đảm tiêu chuẩn cao nhất của người ứng cử ĐBQH”- ông Đỗ Duy Thường đề nghị.

Cũng đồng quan điểm với nhiều đại biểu, ông Lê Truyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, ngay từ cuộc hiệp thương lần đầu phải làm rất thận trọng vì nếu cuộc này có sai sót gì thì khó có thể làm lại. “Chúng ta làm cuộc hiệp thương này trong điều kiện hết sức thuận lợi, có Hiến pháp 2013, phát huy thắng lợi Đại hội Đảng XII, Luật Tổ chức Nhà nước được ban hành, Luật MTTQ Việt Nam… nên phải vận dụng những thuận lợi này để việc hiệp thương đạt được kết quả tốt”.

Theo ông Lê Truyền, “không nhất thiết đại biểu Quốc hội phải người đứng đầu cơ quan hành chính, chỉ cần người đại diện cơ quan đó đủ tiêu chuẩn làm ĐBQH là được. Lâu này chúng ta cứ phải người đứng đầu là ĐBQH. Người đứng đầu đã nhiều việc lại thêm Quốc hội nữa thì họ sẽ không làm tròn được tất cả các trách nhiệm. Trong khi đó có rất nhiều người khác có đầy đủ tiêu chuẩn và điều kiện để làm trách nhiệm của một ĐBQH”.

Tăng đại biểu chuyên trách, giảm đại biểu trong cơ quan hành chính

Ông Lê Truyền cũng cho rằng, trong Chỉ thị 51 của Bộ Chính trị có nói nhiều về lãnh đạo cuộc bầu cử, nhưng trong cơ cấu có nội dung “giảm đại biểu ở khu vực cơ quan hành chính, tăng đại biểu chuyên trách. Tuy nhiên, trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc tăng đại biểu chuyên trách đã có chuyển biến, nhưng việc giảm đại biểu ở cơ quan hành chính chưa thấy chỉ ra là giảm ở đâu. “Theo tôi phải giảm nhiều chứ không chỉ nói là giảm”.

Ông Lê Truyền

Bà Hà Thị Liên cũng đề nghị cần tăng đại biểu chuyên trách vì đại biểu chuyên trách là người có điều kiện nghiên cứu kỹ lưỡng về các luật, họ chuyên tâm khi không phải làm nhiều việc cùng một lúc. “Theo tôi số đại biểu chuyên trách nên chiếm 1/3 số lượng ĐBQH, như thế hoạt động của đại biểu QH ngày càng hiệu quả hơn”.

Theo ông Nguyễn Túc, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa-Xã hội Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, không khí hồ hởi, phấn khởi bởi không khí dân chủ sau Đại hội Đảng XII cần được phát huy mạnh trong cuộc bầu cử lần này. “Khóa này tăng 15 đại biểu Quốc hội ở Trung ương thì đều ở cơ quan Quốc hội. Trong khi đó, đại biểu thuộc các thành phần, tầng lớp trong xã hội chưa thỏa đáng. Cần tính toán lại điều này”.

Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban TW MTTQ Việt Nam mong muốn giảm 50% đại biểu Quốc hội ở các cơ quan hành pháp, vì thực tế ở khu vực này không có đủ thời gian để tham gia Quốc hội, bởi họ đã quá nhiều việc.  Nếu giảm được 9 người ở khu vực Chính phủ thì chuyển sang ĐBQH chuyên trách, hoặc thêm cho khu vực mặt trận, các tổ chức đoàn thể. Cùng với đó, cần có cơ chế để tăng thêm, lựa chọn được những người tự ứng cử.

Quan tâm đến vấn đề đại biểu ngoài Đảng, ông Lù Văn Que đề nghị mở rộng số lượng ĐBQH là người ngoài Đảng, dân tộc thiểu số, nhân sỹ trí thức tiêu biểu. Bởi cơ cấu 35 ĐBQH là người ngoài Đảng mới chỉ là cơ cấu định hướng, nếu phát hiện được nhiều trường hợp tiêu biểu hoàn toàn có thể đưa vào để dân bầu, như thế mới hợp lòng dân.

“500 đại biểu chỉ có 35 người ngoài Đảng, đề nghị nên tăng con số này. Ngoài Đảng có nhiều người ưu tú lắm chứ không riêng gì Đảng viên. Làm sao tăng lên được khoảng 100 người vì người ưu tú rất nhiều”- ông Que đề nghị.

Ông Lù Văn Que

Ông Lê Truyền, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cũng nhấn mạnh, trong bầu cử mặt trận phải làm nhiều việc, trong đó quan trọng là phải làm tốt khâu giám sát để bảo đảm bầu cử phải dân chủ, đúng luật pháp đảm bảo quyền dân chủ thuộc về nhân dân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết ghi nhận các ý kiến của các đại biểu, sẽ tiếp tục được nghiên cứu tính toán cho phù hợp, trong đó có việc như tăng cường các đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương và địa phương, giảm ở các cơ quan hành chính./.