Tiếp tục chương trình phiên họp toàn thể lần thứ 16, sáng 20/8, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Dự thảo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu tán thành sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật góp phần đẩy nhanh tiến độ ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, để các quy định mới trong dự thảo Luật có tính khả thi thì việc đánh giá các hạn chế trong Luật hiện hành cần phân biệt rõ giữa hạn chế của các quy định pháp luật với hạn chế do việc tổ chức thực hiện, từ đó đưa ra các kiến nghị trong Dự thảo Luật chính xác và phù hợp hơn.

Về thẩm quyền ban hành và hình thức của văn bản quy phạm pháp luật, Dự thảo Luật quy định: văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội là Hiến pháp, Luật, Pháp lệnh, đồng thời không quy định Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Thuyền, thành viên Ủy ban Pháp luật đề nghị cân nhắc giữ quy định về hình thức Nghị quyết của Quốc hội. Vì khoản 10 điều 70 của Hiến pháp quy định thẩm quyền của Quốc hội là bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao khi các văn bản này trái với Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội.

Do đó, nếu không quy định Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật thì không thể dùng Nghị quyết đó để bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật khác. Ông Nguyễn Bá Thuyền nói: “Hiến pháp có quy định Quốc hội có quyền phủ quyết những văn bản của Chủ tịch nước, Thủ tướng. Vậy nếu chúng ta bỏ Nghị quyết thì nó không có giá trị quy phạm pháp luật thì làm sao phủ quyết được văn bản quy phạm pháp luật. Tôi cho rằng Nghị quyết của Quốc hội phải có giá trị như luật pháp. Bởi vì nhiều nghị quyết chúng ta thấy có hiệu lực trong thực tiễn thì được áp dụng. Mà nếu không có thì làm sao làm được". 

Chiều nay, Ủy ban Pháp luật cho ý kiến vào dự thảo Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi)./.