Trước thềm mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu thường tiến hành tiếp xúc cử tri. Nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri nêu lên được chuyển tới Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Có những kiến nghị được giải quyết nhưng cũng có những kiến nghị kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chưa được xử lý dứt điểm. Đó là băn khoăn của đại biểu Quốc hội và cũng là mối quan tâm của cử tri.

cu_tri_yelr.jpg
Những đề đạt, nguyện vọng của cử tri cần được các đại biểu Quốc hội quan tâm và giải quyết.

Trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk đã có cuộc tiếp xúc cử tri ở các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp và Krông Pắk. Bên cạnh những kiến nghị liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng ở tỉnh lộ 8, tình trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn… đa số cử tri quan tâm đến vấn đề giá cả trên thị trường hiện nay.

Ông Nguyễn Tiến Sử (xã Quảng Tiến, Cư M’gar) cho rằng, các mặt hàng như điện, xăng, ga tăng giá trong khi giá nông sản như cà phê, hồ tiêu liên tục giảm mạnh đã ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Cử tri mong muốn các cấp, các ngành có giải pháp hỗ trợ bà con để ổn định thị trường giá cả.

Thời gian gần đây, nhiều vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng liên tục xảy ra; trong lĩnh vực giao thông, chất lượng các công trình giao thông cũng còn nhiều vấn đề cần bàn.

Ông Nguyễn Văn Đại (huyện Trảng Bom, Đồng Nai), lo ngại: “Vấn đề giao thông vẫn là vấn đề rất nóng trong thời gian qua. Nhất là khi chuyện BOT năm ngoái đến giờ vẫn chưa giải quyết lại tiếp tục phát hiện ra những vấn đề khác. Tôi mong muốn có những giải pháp cụ thể, chứ không thể trả lời khơi khơi”.

Những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục, các vụ án mạng, bạo lực học đường, ấu dâm xảy ra gây bức xúc cho người dân. Ông Kiều Quý Ba (phường An Cư, Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) đề nghị: “Chúng tôi mong muốn ngay kỳ họp thứ 7 vấn đề này cần được rõ ràng, đẩy mạnh quan tâm nhiều hơn đối với vai trò đại biểu Quốc hội. Chúng ta nên có gợi hướng cho Chính phủ có chương trình, mục tiêu cụ thể từ tháng 6/2019 đến cuối năm sẽ giảm được bao nhiêu phần trăm số vụ bạo hành..”.

Nhìn nhận các vấn đề dưới góc độ ảnh hưởng tiêu cực của mạng xã hội, ông Nguyễn Văn Tùng – cử tri ở Cần Thơ bày tỏ: “Hiện nay có luật an ninh mạng, cũng đã xử lý nhanh nhạy một số trường hợp đưa tin sai sự thật nhưng mạng xã hội lại cực kỳ nhanh hơn chúng ta. Người lớn và trẻ em đều mở mạng được và đa số lại nằm trong số thanh niên, thiếu niên.

Đây là một điều hết sức băn khoăn. Trong những băn khoăn về đạo đức xã hội, có một phần thuộc về internet. Tôi cũng mong muốn Quốc hội cũng như các ngành chức năng tập trung cao hơn nữa để quản lý vấn đề này. Làm sao chúng ta phòng được, ngừa được những tin xấu, những thứ tác động làm băng hoại xã hội giảm dần đi hoặc triệt tiêu được càng tốt”.

Cử tri quan tâm từ những vấn đề lớn trên lĩnh vực kinh tế, chính trị đến những vấn đề thiết thân tác động trực tiếp đến chính cuộc sống của họ. Trong mỗi băn khăn, lo ngại, bức xúc và cả những kiến nghị chân thành của cử tri, có không ít những nội dung đề đạt nguyện vọng đã được nêu lên nhiều lần tại nhiều cuộc tiếp xúc trong nhiều nhiệm kỳ. Điều đó cho thấy trách nhiệm của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, của chính quyền và của các cơ quan chức năng vẫn cần rõ nét, tích cực hơn để bớt dần những kiến nghị bị trôi đi, bị bỏ ngỏ.

Những năm gần đây, những ý kiến kiến nghị của cử tri đã được các cơ quan chức năng lưu tâm giải quyết. Tuy vậy, hiệu quả giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri vẫn còn hạn chế, còn nhiều tồn tại, vẫn còn tình trạng một số kiến nghị cần tìm biện pháp tháo gỡ hoặc xây dựng lộ trình để giải quyết dứt điểm thì được trả lời mang tính cung cấp thông tin chung chung, chỉ dẫn văn bản hình ảnh có liên quan hoặc trả lời đang nghiên cứu sẽ giải quyết; có văn bản trả lời còn diễn giải lòng vòng không rõ ràng, thậm chí không đúng thực tế, chưa đúng, chưa đầy đủ với câu hỏi mà cử tri nêu; chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Cử tri Trần Viết Hoàn phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri tại quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, các địa phương nên giải quyết kiến nghị của cử tri từ cơ sở, đề cao trách nhiệm giải quyết từ cơ sở vì trách nhiệm địa phương rất quan trọng.

Còn bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì cho rằng, chất lượng tiếp công dân rất quan trọng, ảnh hưởng tới việc giải quyết những bức xúc, những vấn đề người dân quan tâm. Việc giải quyết những bức xúc, người ta vẫn thường nói chuyện lớn hóa thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành chuyện không có gì.

Nhiều vấn đề mà người dân kiến nghị đều không mới, từ câu chuyện tham nhũng, sai phạm trong quản lý đất đai, nhiều yếu kém trong công tác quản lý cán bộ, ô nhiễm môi trường, an toàn giao thông nhưng đến nay vẫn phát sinh không ít vi phạm gây bức xúc.

Bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội

Bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội cho rằng, Quốc hội cần giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri chứ không chỉ giám sát việc trả lời: “Quan trọng không phải là trả lời, ngoài trả lời phải tổ chức thanh tra, kiểm tra. Nếu cơ quan có thẩm quyền quan tâm hơn tới phản ánh của cử tri mà những phản ánh đó mang tính chất cảnh báo; tích cực tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm kịp thời thì có thể hạn chế được những vụ việc như trong thời gian vừa qua. Chúng tôi cũng đề nghị quan tâm hơn đến chất lượng giải quyết kiến nghị của cử tri”.

Đại biểu dân cử phải kiên trì theo đuổi vấn đề giám sát, tích cực đôn đốc để đảm bảo những kiến nghị, giải pháp đưa ra được thực thi trong thực tế để đi đến cùng việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Ông Nguyễn Khắc Định, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội đề nghị: “Các kiến nghị qua tiếp xúc trước và sau kỳ họp nổi lên cái gì. Có tổ chức tạo điều kiện để cử tri nêu kiến nghị hay không. Quá trình tổng hợp các ý kiến diễn ra nhanh, chậm như thế nào. Quá trình xử lý của các cơ quan nhanh, chậm, tốt, xấu thế nào; nguyên nhân ra sao từ đó quy trách nhiệm”.

Hiệu quả từ giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri là yếu tố quan trọng giúp cử tri đặt niềm tin mạnh mẽ hơn vào vai trò của người đại biểu dân cử. Qua đó, giúp hoạt động của các cơ quan trong bộ máy nhà nước tốt lên, thể hiện rõ ràng cụ thể, kịp thời trách nhiệm của mình với cử tri và nhân dân. Vì vậy, ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội dành thời gian để nghe báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri và được phát thanh truyền hình trực tiếp.

Nội dung báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri những năm gần đây cho thấy, vấn đề này đã được quan tâm hơn. Tuy vậy, vẫn còn tình trạng kiến nghị cử tri lặp lại nhiều lần qua các cuộc tiếp xúc mà chưa được giải quyết cụ thể, đặc biệt là các ý kiến liên quan đến đất đai. Cử tri và ngay đại biểu Quốc hội vẫn tâm tư vì đại biểu chỉ có quyền kiến nghị, còn giải quyết hay không là việc của các cơ quan có thẩm quyền.

Ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu luật pháp của QH

Ông Đinh Xuân Thảo, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu luật pháp của Quốc hội cho rằng, thực tế này đặt ra đòi hỏi đổi mới việc giám sát của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội để có hiệu lực, hiệu quả hơn. Nhìn nhận ở khía cạnh hình thức của các bản báo cáo giải quyết kiến nghị của cử tri cũng cần có sự thay đổi. Kiến nghị của cử tri không chỉ ở thẩm quyền của cơ quan Trung ương, các bộ hay của Chính phủ mà phần lớn thuộc về chính quyền địa phương, nhất là chủ tịch tỉnh chẳng hạn, cho nên nêu ra phải rõ trách nhiệm của việc thực hiện kiến nghị của cử tri”.

Báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri cần phân tích rõ, cụ thể hơn những kiến nghị của cử tri được giải quyết, chưa được giải quyết vì sao, vướng mắc do đâu, chỉ rõ địa chỉ trách nhiệm hơn là chỉ liệt kê số lượng. Sau mỗi cuộc giám sát đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đều đưa ra kiến nghị, những kiến nghị này cũng là tổng hợp kiến nghị của cử tri, là mong muốn, yêu cầu của cử tri, để những kiến nghị này không rơi vào quên lãng.

Hiệu quả của việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri phụ thuộc vào trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong bộ máy nhà nước và hiệu lực, hiệu quả giám sát của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội. Trách nhiệm rõ ràng, vai trò rõ ràng, kỷ luật rõ ràng là cách để kiến nghị của cử tri được giải quyết kịp thời và hiệu quả./.