Thảo luận về dự thảo Bộ luật chiều 26/5, Thiếu tướng Trần Văn Độ - nguyên Phó Chánh án TANDTC, đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang cho biết, trách nhiệm hình sự pháp nhân đến nay đã có 120 quốc gia quy định, trong đó ASEAN có 6 nước và Trung Quốc cũng đã thể hiện trong luật.

Ủng hộ quan điểm của ban soạn thảo cần quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân, Đại biểu đặt vấn đề: Nhân viên thực hiện mệnh lệnh của Hội đồng quản trị sao cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự trong khi tập thể không bị gì? Trường hợp các giám đốc điều hành được thuê mà chỉ xử trách nhiệm người này là không công bằng.

tran_van_do_vvju.jpg
Thiếu tướng Trần Văn Độ- nguyên Phó Chánh án TANDTC

Theo đại biểu, luật xử phạt hành chính có phạt tiền, rút giấy phép… nhưng chưa giải quyết được vấn đề và đó chỉ là góc nhỏ. Xử lý hình sự pháp nhân là hướng đến cái lớn hơn, bảo đảm quyền lợi cho xã hội, cho người bị hại.

Đại biểu phân tích: Nếu quy trách nhiệm cho 1 người thì người bị truy cứu phải bồi thường, pháp nhân không phải bồi thường. Vụ Vedan, Nicotex Thanh Thái xả thải ô nhiễm gây thiệt hại cả nghìn tỷ đồng thì cá nhân nào có đủ khả năng bồi thường cho người dân?

Ngoài ra, nếu xử lý bằng hiện pháp hình sự đối với pháp nhân thì cơ quan nhà nước có nghĩa vụ chứng minh thiệt hại đó chứ không phải người dân.

“Xử hành chính thì tự người dân phải chứng minh. Như vụ Vedan, Bộ TN-MT có bao nhiêu hội đồng còn mỗi người mỗi ý khác nhau thì người dân chứng minh thế nào được!”, đại biểu bày tỏ.

Ở khía cạnh khác, kiện dân sự thì người kiện phải nộp án phí, như vụ Vedan có người phải nộp từ 50 đến 100 triệu đồng. Đại biểu cho biết: “Dân không kiện vì không có tiền. Có một số người đồng ý nộp tiền với điều kiện Hội Nông dân hỗ trợ. Nhưng cuối cùng có kiện được đâu, sau đó Nhà nước phải thỏa thuận với công ty nhận hỗ trợ, rồi chia người dân các tỉnh chịu ảnh hưởng mà chẳng có pháp lý gì”.

Nguyên Phó Chánh án TANDTC nhấn mạnh, chức năng hình sự không chỉ là xử phạt mà là bảo vệ, phục hồi. Do đó cần quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân càng nhanh càng tốt. Trong điều kiện hội nhập quốc tế người ta khuyến khích quy định để đáp ứng phòng ngừa tội phạm.

Một vấn đề đang được nhiều người quan tâm là việc xử hình sự pháp nhân như các công ty, tập đoàn… sẽ ảnh hưởng đến người lao động. Theo đại biểu Trần Văn Độ, cả khi xử phạt hành chính cũng có thu hồi giấy phép thì ảnh hưởng khác gì giải thể, đình chỉ hoạt động? Mặt khác, trách nhiệm hình sự chủ yếu vẫn là phạt tiền, vi phạm nhiều lần mới đình chỉ hoạt động.

Đề nghị đại biểu ủng hộ quan điểm tiến bộ của ban soạn thảo dự án luật, Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình cho rằng quy định trách nhiệm hình sự pháp nhân là cần thiết.

Viện trưởng VKSNDTC Nguyễn Hòa Bình 

“Việc quy định trách nhiệm pháp nhân không phải đầy đủ như thể nhân mà giới hạn trong một số trường hợp, không thể tử hình hay bắt pháp nhân đi tù. Đặt ra trách nhiệm hình sự pháp nhân thì mới thực hiện được cam kết quốc tế mà chúng ta tham gia. Như tội rửa tiền, người ta phạt ngân hàng chứ không phải phạt nhân viên ngân hàng, thậm chí chấm điểm cả hệ thống ngân hàng, hạn chế giao dịch quốc tế. Chúng ta cũng có kinh nghiệm thực tế từ vụ Vedan”, đại biểu nêu dẫn chứng.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Lê Minh Thông (Thanh Hóa) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật ủng hộ xử lý hình sự pháp nhân đối với một số tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, môi trường.

“Có ý kiến cho rằng, nếu xử trách nhiệm pháp nhân thì người lao động ra sao? Cần phải chấp nhận rủi ro, phải nâng cao trách nhiệm của người lao động vì tôi không tin người lao động không biết có vi phạm”, đại biểu nêu quan điểm.

Đại biểu Lê Minh Thông cho rằng quan trọng là đưa ra hình phạt thế nào thích hợp với pháp nhân. Theo đó phạt tiền là chủ yếu và có sự giám sát đặc biệt./.