Cần chỉ rõ đích danh nơi "lờ”kiến nghị của Kiểm toán
Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/9 cho biết, tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán từ 70 báo cáo kiểm toán cho thấy cơ bản kết quả kiểm toán vẫn được duy trì tốt so với các năm trước, trong đó đã kiến nghị xử lý tài chính là hơn 8.000 tỷ tỷ đồng (tăng thu 1.153 tỷ đồng; giảm chi 3.383 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 3.493,7 tỷ đồng).
Tổng số kiến nghị xử lý tài chính năm 2014 đã được các đơn vị thực hiện đến tháng 8/2015 đạt 52,6% (cả năm 2013 là 63,1%), trong đó tăng thu NSNN 60,2%; tăng thu khác 81,5%; giảm kinh phí thường xuyên 57,2%; giảm chi đầu tư xây dựng 50,5%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Uỷ ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội cho rằng, việc tổng hợp báo cáo kiểm toán của một số đơn vị còn chậm sau khi kết thúc cuộc kiểm toán, do vậy số lượng báo cáo kiểm toán đã phát hành tính đến thời điểm hiện tại còn hạn chế. Số cuộc kiểm toán kết thúc còn thấp chưa đáp ứng yêu cầu tổng hợp thông tin nhanh chóng, kịp thời về thực trạng tình hình ngân sách của các đơn vị được kiểm toán.
Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS Phùng Quốc Hiển |
Báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước mới chỉ dừng lại ở việc thống kê về kết quả thực hiện trên phạm vi cả nước và phạm vi các nhóm đối tượng, chưa nêu rõ thực trạng của từng đơn vị được kiểm toán.
“Kiểm toán Nhà nước cần nêu rõ những địa phương, Bộ, ngành chưa nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, đồng thời chỉ ra những thuận lợi, khó khăn và nguyên nhân của tình trạng này, từ đó đưa ra các giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện kết luận, kiến nghị. Đặc biệt làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan khi thực hiện các kết luận, kiến nghị giúp đẩy nhanh công tác thu hồi ngân sách cho đất nước và chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước”, Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NS Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng cho biết nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn về hiệu lực và giá trị kết luận kiểm toán. Bởi trong nhiều năm, một số kiến nghị kiểm toán nhưng các cơ quan không thực hiện.
Do đó đề nghị Kiểm toán Nhà nước qua từng năm, từng cuộc kiểm toán cần nêu rõ danh tính cụ thể Bộ, ngành, địa phương không thực hiện hoặc ít thực hiện kiến nghị của kiểm toán.
Đề nghị kiểm toán nợ công, chi tiêu phòng chống tội phạm
Kiểm toán Nhà nước cho biết, năm 2016, toàn ngành tập trung kiểm toán 175 đầu mối (đơn vị), gồm: Kiểm toán ngân sách năm 2015 của 47 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; 2 thành phố trực thuộc tỉnh; 16 bộ, cơ quan trung ương; 13 chuyên đề, trong đó 2 chuyên đề do nhiều đơn vị trong ngành cùng tham gia kiểm toán; 4 cuộc kiểm toán hoạt động; 41 chương trình, dự án; 31 doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng; 20 đầu mối thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, khối cơ quan Đảng và Kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2015.
Theo ông Phùng Quốc Hiển đề nghị cân nhắc kiểm toán vấn đề nợ công, nợ Chính phủ, nợ chính quyền địa phương để đưa ra đánh giá khách quan về mức độ an toàn về nợ quốc gia giúp Quốc hội, Chính phủ có kế hoạch vay nợ, trả nợ hợp lý và hiệu quả hơn. Trong đó cần làm rõ tình trạng huy động, quản lý, sử dụng và tính hiệu quả của nguồn vốn vay và khả năng bảo đảm trả hết nợ khi đến hạn.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng từ trước tới nay không biết hoặc biết rất ít về tiền tiêu cho chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm thực hiện như thế nào.
Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Chính phủ báo cáo hàng năm và nêu rõ bộ ngành, địa phương nào làm tốt và chưa tốt. Nhưng qua thẩm tra báo cáo trong các năm vừa qua, Uỷ ban Tư pháp chưa thấy Chính phủ báo cáo.
Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
“Công tác “chống tội phạm” thời gian qua cơ bản đáp ứng yêu cầu nhưng “phòng tội phạm” còn nhiều vấn đề, liên quan đến vụ án lớn, trọng án. Đề nghị cho kiểm toán chuyên đề các chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm để xác định lại hiệu quả của tiền chi vào đây đủ hay chưa, nhằm đảm bảo tác dụng thiết thực hơn trong thời gian tới”, bà Lê Thị Nga đề nghị.
Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng 2016 là năm kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII nên tập trung kiểm toán thuộc chương trình 5 năm 2011-2015. Ngoài ra, nên có chuyên đề kiểm toán chi tiêu hoạt động lễ hội quốc gia, công khai cho dư luận biết Nhà nước ta sử dụng kinh phí tiết kiệm, hiệu quả.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì cho rằng với đặc thù năm 2016, việc đề ra khối lượng kiểm toán như báo cáo là rất lớn, khó có thể khắc phục được bất cập, hạn chế lâu nay. Do đó nên rút bớt số lượng để nâng cao chất lượng.
“Có ý kiến đánh giá kiểm toán đã phát huy được vai trò nhưng chưa chỉ rõ được, hoặc chỉ ra quá ít những nơi có dấu hiệu tham nhũng. Đây là vấn đề nên quan tâm”, ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh thêm./.