Bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đánh giá, qua phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có thể thấy nền giáo dục của nước ta vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết. 

dai_bieu_1_cvwl.jpg
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TPHCM)
Nhận xét về phần trả lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Bộ trưởng đã đưa ra được ra một số giải pháp khá sát thực tế, tuy nhiên điều quan trọng là quá trình tổ chức thực hiện sao cho hiệu quả trong thời gian tới. 

“Cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa biết làm thế nào để thoát khỏi mớ bòng bong hiện nay. Theo ý kiến cá nhân tôi, quan trọng nhất con người làm giáo dục. Vì bây giờ nói đạo đức xuống cấp, thầy cô như thế nào, nhưng Bộ trưởng và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm những gì để giải quyết tình trạng này. Đầu tiên là đầu vào của sự phạm, làm sao nâng giá trị của người thầy chứ nếu như thầy cô giáo vào sư phạm với mức 3 điểm, 0 điểm là không thể chấp nhận được. Qua chất vấn, tôi đánh giá phần trả lời của Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa thuyết phục”, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nêu quan điểm. 

Theo Đại biểu Bùi Sỹ Lợi, đoàn Thanh Hóa, Bộ trưởng Phùng xuân Nhạ đã trả lời tập trung, không né tránh vấn đề, đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng giáo dục, giải pháp hạn chế các tình trạng cá biệt nổi cộm trong ngành giáo dục thời gian qua. 

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi, đoàn Thanh Hóa
“Tôi thấy Bộ trưởng trả lời rất thẳng thắn. Nhưng tôi nghĩ, để giải quyết vấn đề này một cách căn cơ, không chỉ cá nhân Bộ trưởng mà phải cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Chính quyền các địa phương và tất cả các tổ chức chính trị xã hội khác phải vào cuộc để xã hội thương yêu, đồng lòng phát triển giáo dục. Tôi mong, tại phiên chất vấn hôm nay, Bộ trưởng đã phát hiện được  những vấn bức xúc để giải quyết. Tuy nhiên, theo tôi muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đảm bảo cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý thì dứt khoát chúng ta phải phân luồng học sinh”, đại biểu Bùi Sĩ Lợi nói./.