Trước băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về lùi thời gian giảng dạy sách giáo khoa (SGK) mới, chiều 2/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Để thực hiện việc biên soạn chương trình, SGK mới, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đến nay, ngành Giáo dục mới tiêu 50 tỷ đồng cho biên soạn chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới.

Trong đó, kinh phí thực hiện chương trình mới tiêu được 48,2 tỷ đồng (tương đương 2 triệu USD), chứ chưa phải là nhiều. Đối với chương trình bồi dưỡng giáo viên là 2,3 tỷ. Tổng cộng đến nay mới tiêu được hơn 50 tỷ đồng. Còn lại số tiền dành cho thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn SGK mới đang trong kế hoạch thực hiện.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: “Từng năm một, Bộ GD-ĐT sẽ công khai chi phí thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn SGK để giải tỏa một số quan điểm là việc thực hiện chương trình tiêu rất nhiều tiền. Thực tế là hiện nay, đối với việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Bộ GD-ĐT mới dành kinh phí chi trả cho các chuyên gia, thầy cô giáo làm chương trình. Đối với chương trình đào tạo giáo viên mới có tiền để xây dựng lớp bồi dưỡng, chưa có tiêu gì nhiều”.

bo_truong_nha_vov_uwwt.jpg
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ (ảnh: Quang Vinh)

Giáo viên vẫn là yếu tố quyết định chất lượng giáo dục

Tại Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, trước Nghị quyết 40 năm 2000, nước ta có 3 thời kỳ đổi mới SGK. Đó là năm 1950, thời đó, nước ta sử dụng chương trình hiện hành và chỉ đổi mới một số môn. Lần thứ 2 là năm 1986, chủ yếu tập một số môn cơ bản và ở cấp Tiểu học.

Đến năm 2000, Quốc hội có Nghị quyết 40 xây dựng chương trình SGK. Chương trình ngày đó chưa phải là tổng thể và đến năm 2006, sau khi có Luật Giáo dục thì chúng ta hợp nhất các môn học ở các cấp thành chương trình giáo dục phổ thông.

Đến nay, chưa có chương trình tổng thể giữa các môn trong bậc học. Vì vậy, Nghị quyết 88 đã nêu rõ thực hiện vấn đề này. Đây là thách thức lớn của ngành Giáo dục. Chương trình SGK mới chuyển đổi từ giảng dạy nặng về kiến thức sang giảng dạy phát huy năng lực, kỹ năng của học sinh.

Sau Nghị quyết 88, Bộ GD-ĐT đã trưng cầu các chuyên gia, trưng cầu ý kiến xã hội và tham mưu với Chính phủ về chương trình SGK mới phải phù hợp với giai đoạn mới, khoa học công nghệ nhưng phải kế thừa những tinh hoa của chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Thiết kế SGK mới cũng phải phù hợp với các vùng miền, địa phương.

Khi xin ý kiến của xã hội, Bộ GD-ĐT cũng phải trưng cầu trong 2 tháng. Cho đến nay đã có chương trình tổng thể giáo dục phổ thông mới và đang tiếp tục biên soạn chương trình các môn học. Tới đây, Bộ sẽ để các nhà khoa học, đông đảo đội ngũ giáo viên phản biện.

Bộ GD-ĐT cũng khuyến khích các giáo viên, tổ chức, cá nhân viết SGK để thu hút trí tuệ của nhiều người nhưng có sự thẩm định sách.

Quan điểm của Bộ GD-ĐT là SGK là kiến thức rất căn bản nhưng giáo viên phải chủ động, tự chủ chọn SGK để giảng dạy. Chương trình phổ thông, SGK có hay đến mấy nhưng đội ngũ giáo viên vẫn là quyết định đến chất lượng giáo dục.

Để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông giảng dạy theo SGK mới, Bộ GD-ĐT đang rà soát lại chất lượng giáo viên bằng cách đưa ra chuẩn giáo viên. Bên cạnh đó là sự tập huấn, đào tạo đội ngũ giáo viên. Tới đây, Bộ sẽ hướng dẫn các địa phương, chỉ đạo các trường sư phạm cùng tham gia vào bồi dưỡng dần đội ngũ giáo viên giảng dạy theo SGK mới.

Song song với đó, Bộ đang chú trọng đến nâng cấp cơ sở vật chất để đáp ứng được khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông, SGK mới. Theo đó, đối với các thành phố có đông dân cư thì sẽ hướng giảm sĩ số học sinh/lớp theo hướng xã hội hóa giáo dục để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Ở vùng khó khăn thì có thể dồn dịch lớp học.../.