Tiếp tục chương trình làm việc, chiều nay (24/9), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Tình trạng đại biểu vắng mặt nhiều tại kỳ họp vừa qua là một trong những nội dung được nhiều ý kiến nêu lên và đề nghị cần có quy định cụ thể để nâng cao trách nhiệm người đại biểu.

Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội tham gia các kỳ họp, phiên họp của Quốc hội. Tuy nhiên, đề nghị cân nhắc quy định trường hợp đại biểu Quốc hội không thể dự kỳ họp hoặc vắng mặt tại các phiên họp Quốc hội thì gửi văn bản và nêu rõ lý do, thời gian vắng mặt đến Tổng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định như trong dự thảo Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đồi).

Nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, cần nghiên cứu phân loại cụ thể các trường hợp đại biếu Quốc hội vắng mặt, từ đó quy định trách nhiệm báo cáo của đại biểu Quốc hội cho phù họp với từng trường họp.

Chẳng hạn quy định theo hướng: đối với trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt dài ngày thì cần gửi văn bản đến Tồng Thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội; trường hợp đại biểu Quốc hội vắng mặt 1-2 buổi vì lý do giải quyết công việc ở cơ quan, địa phương hoặc tham gia thẩm tra, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết của Quốc hội thì chỉ cần báo cáo Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội hoặc Tổ trưởng Tổ đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước thì cho biết: “Vừa qua, cử tri cũng như ngay trong nội bộ các đoàn không bằng lòng việc có đại biểu lợi dụng bận việc riêng để vắng mặt. Trách nhiệm quan trọng số 1 của người đại biểu Quốc hội là phải tham dự đầy đủ các ngày họp. Bởi Quốc hội làm việc tập thể”.

Do đó, ông Ksor Phước đề nghị quy định đại biểu Quốc hội không được vắng mặt quá 1/5 thời gian trong cả kỳ họp nếu không có lý do chính đáng. Tuỳ số ngày nghỉ các đại biểu vắng có thể không báo cáo Chủ tịch Quốc hội nhưng phải báo cáo trưởng đoàn, Tổng Thư ký.

Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học- Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cho rằng khi đại biểu vắng mặt có nhiều cách để báo chủ toạ biết chứ không nhất thiết phải gửi văn bản rồi có bút phê mà có thể qua kênh Tổ thư ký, trưởng đoàn xin ý kiến Chủ tịch Quốc hội.

“Nên có tờ điểm danh và tổng hợp hàng tuần rồi báo cáo các đoàn biết để người nghỉ nhiều cũng thấy ngượng mà không dám vắng nhiều nữa”, ông Phan Xuân Dũng nói.

Nêu ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh nguyên tắc thẩm quyền là người chủ toạ phải biết ai vắng, dù một buổi hay nhiều ngày. Do đó người nghỉ phải báo cáo, còn hình thức để chủ toạ biết như thế nào là vấn đề khác và cần phải tính, căn cứ vào số ngày vắng họp./.