Trình bày Tờ trình về Dự án Luật Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng 23/9, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ - Tổng tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Dự thảo Luật quy định cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác chỉ huy, quản lý trong Quân đội nhân dân, gồm có: Từ cấp Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp đến cấp Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp.
Đồng thời dự thảo Luật quy định bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ trung cấp là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ sơ cấp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với hệ thống cấp bậc quân hàm của sĩ quan trong Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Nguyễn Kim Khoa nhất trí vớiquy định trên vì cho rằng dự thảo Luật kế thừa các quy định hiện hành, tương ứng với Luật Công an nhân dân và thực tế thực hiện từ trước đến nay không có gì vướng mắc.
Tuy nhiên, có ý kiến trong cơ quan thẩm tra dự án luật đề nghị bổ sung quy định cấp bậc quân hàm Đại tá quân nhân chuyên nghiệp cho người có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ để thể chế hóa Nghị quyết của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức trong tình hình mới.
Một số ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ tại sao cấp quân hàm quân nhân chuyên nghiệp cao nhất chỉ đạt đến Thượng tá; xem xét nâng quân hàm lên Đại tá với người có trình độ cao, có nhiều thành tích đóng góp trong quân đội.
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho biết từ trước tới nay không lấy học hàm giáo sư, tiến sĩ tính vào quân hàm. |
Giải trình tại phiên họp, Thiếu tướng Tô Viết Báo - Cục trưởng Cục quân lực - Bộ Quốc phòng nhấn mạnh việc quy định cấp bậc quân hàm là phục vụ công tác chỉ huy quản lý. Quân hàm quân nhân chuyên nghiệp được phiên theo mức lương và trình độ đào tạo nên khác quân hàm sĩ quan.
Bảng lương quân nhân chuyên nghiệp có 12 bậc và người đạt mức lương 12/12 cũng đạt đến mức quân hàm Thượng tá. Quá trình thực hiện lâu nay không vướng và thực tế chưa có trường hợp nào được thăng lên Đại tá nên dự thảo quy định theo hướng kế thừa để tránh bất cập sau này.
Phân tích rõ thêm vấn đề này, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ nói: "Thực tế trong quân đội rất rõ, quân nhân chuyên nghiệp là lực lượng phục vụ cho anh chỉ huy nên cấp quân hàm phải khác. Đồng chí chuyên nghiệp đủ điều kiện thì đã có cơ chế được chuyển sang sĩ quan chỉ huy có số”.
Về đề nghị bổ sung quy định cấp bậc quân hàm Đại tá cho người có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sĩ, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ cho biết từ trước tới nay không lấy học hàm tính vào quân hàm.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng nếu cần thiết, ban soạn thảo nên trình hai phương án ra Quốc hội chứ không nên bó hẹp ở cấp quân hàm Thượng tá cũng như độ tuổi, bởi nhìn xa hơn về hướng phát triển hiện đại của quân đội, đây cũng là cách góp phần thu hút nhân tài
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng cách giải thích phiên 12 bậc lương để xác định cấp quân hàm cao nhất Thượng tá là chưa thật hợp lý. Bởi xu hướng sắp tới là tách lương ra khỏi quân hàm. Việc quy định cấp quân hàm lên Đại tá cũng là cách ghi nhận, động viên.
"Các đồng chí nói người nào đủ điều kiện được chuyển sang chỉ huy có số là không phải. Rất nhiều đồng chí ở các học viện làm công tác giảng dạy không phải sĩ quan có số hết đâu, họ vẫn là quân nhân chuyên nghiệp giảng dạy chuyên môn kỹ thuật", ông Huỳnh Ngọc Sơn nói.
Cho rằng cấp quân hàm Đại tá nên được nghiên cứu quy định để quan tâm người có công, thành tích đóng góp lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: "Cái chính là thu hút lực lượng bên ngoài vào xây dựng quân đội. Có người không thích thành giáo sư mà thích Đại tá vì truyền thống gia đình thì sao? Nếu không quy định được thì các đồng chí khẳng định luôn, còn nếu có thể thì nên nghiên cứu thiết kế phương án trình Quốc hội chứ không nên bó hẹp"./.