Tại kỳ họp thứ 8, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội có 3 báo cáo về những nội dung liên quan đến triển khai pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; pháp lệnh quy định về danh hiệu Mẹ Việt Nam anh hùng; tình hình lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; công tác cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện. Bộ cũng đã có báo cáo số 92 về thực hiện Nghị quyết Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp của Quốc hội; có báo cáo số 97 báo cáo giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm chất vấn đến lĩnh vực quản lý ngành.

Từ kỳ họp thứ 7 đến nay, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận được 149 kiến nghị của cử tri và đã có văn bản trả lời; tại kỳ họp này, Bộ nhận được 17 phiếu chất vấn và cũng đã nghiêm túc trả lời các chất vấn này.

ong_bao_pusj.jpg
Các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền - Ảnh: Quang Trung
Là người đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi về vấn đề lương trong DNNN và DNNN cổ phần hóa có thực hiện theo bộ Luật Lao động hay không, nếu chưa thực hiện thì khi nào sẽ thực hiện vì bộ luật này đã có hiệu lực từ ngày 1/5/2013.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Lao động, Thương binh Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền cho biết Bộ Luật Lao động sửa đổi năm 2012 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/5/2013 đã được thực hiện tất cả các điều của luật, trong đó có lĩnh vực tiền lương. Vấn đề lương trong DNNN đã được thực hiện và có lộ trình thực hiện. Cụ thể, trong tổng số 242 điều đến nay đã có 17 Nghị định của Chính phủ ban hành hướng dẫn và Bộ cũng đã ban hành một số Thông tư hướng dẫn. Bộ cũng đã tham mưu thành lập Hội đồng tiền lương quốc gia và Hội đồng này đã tham mưu tư vấn Thủ tướng xây dựng thang bảng lương khu vực hàng năm. Hội đồng này đã tham vấn được 2 năm. Cùng với đó, Bộ đã có hướng dẫn về triển khai thực hiện tiền lương của các doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn còn một nội dung tiền lương trong DN chưa giải quyết xong đó là DN chịu trách nhiệm xây dựng thang bảng lương theo quy định. Bộ Lao động Thương binh Xã hội có trách nhiệm hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng thang bảng lương. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là khi xây dựng thang bảng lương mới, các DN thực hiện theo thang bảng lương đó, không còn lương tối thiểu như luật cũ.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ đã, đang làm và trong tháng 12 này sẽ hướng dẫn các đơn vị xây dựng thang bảng lương. Tuy nhiên trong quá trình hướng dẫn, có nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội kiến nghị lương thực tế hiện nay chiếm tới 60-70% thu nhập, khi xây dựng thang bảng lương, DN sẽ áp dụng theo lương mới theo hướng dẫn quy định của luật, trong đó người lao động đóng bảo hiểm gồm lương, phụ cấp lương và các khoản thu nhập khác. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa xác định được các khoản thu nhập khác là gì để đưa vào phần đóng bảo hiểm xã hội của người lao động.

Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội khẳng định, còn những phần việc Bộ chưa làm sẽ tiếp tục làm hết trách nhiệm./.