Sáng 16/3, tiếp tục phiên làm việc thứ 36, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016. 

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, trong 10 dự án Chính phủ sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 vào giữa năm nay, có 1 dự án xin lùi sang năm 2016 là Luật Biểu tình; 1 dự án sẽ trình Quốc hội cho ý kiến lần 2 là Bộ luật dân sự (sửa đổi).

Đối với 8 dự án luật còn lại, có 6 dự án luật đã được Chính phủ thông qua, 2 dự án còn lại đã được Chính phủ xem xét, thông qua tại Phiên họp tháng 2/2015 là Bộ luật hình sự (sửa đổi) và Luật phí, lệ phí.

phien_hop_36_mapz.jpgPhiên họp 36 Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Ảnh:TTXVN)

Cũng theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, trong số 11 dự án trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, có 1 dự án đã được Chính phủ xem xét, thông qua tại Phiên họp thường kỳ tháng 2/2015 và xin đẩy nhanh tiến độ lên chương trình cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9 là Luật khí tượng thủy văn và có 1 dự án được đề nghị lùi thời hạn trình sang cho ý kiến tại Kỳ họp 3 của Quốc hội khóa XIV là Luật về hội.

Với dự án Luật Biểu tình và Luật về hội, Ủy ban Pháp luật nhận thấy, đây là những dự án quan trọng cần được sớm ban hành nhằm cụ thể hóa Điều 25 của Hiến pháp, tạo hành lang pháp lý để Nhà nước quản lý các hoạt động này. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình chuẩn bị dự án, đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội đồng ý với đề nghị của Chính phủ cho lùi thời gian trình dự án Luật biểu tình từ kỳ họp thứ 9 sang kỳ họp thứ 11, còn dự án Luật về hội đề nghị giữ thời hạn trình tại kỳ họp thứ 10 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội.

Trong phần thảo luận, Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa kiến nghị cần sửa đổi Luật Quốc phòng và Luật an ninh quốc gia. Theo ông Khoa, nhiệm vụ quốc phòng hiện nay không còn phù hợp và nhiệm vụ lực lượng vũ trang cũng đã có nhiều đổi mới. Việc sửa Luật quốc phòng để xác định rõ trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ. Đối với Luật An ninh quốc phòng, có liên quan mật thiết đến các luật khác như Luật Cảnh sát biển, Luật công an xã, Luật cảnh vệ... nên cần phải được xây dựng trước mới đảm bảo cho các luật còn lại.

Liên quan đến Luật biểu tình, đồng tình với việc lùi lại, nhưng theo ông Khoa không nên lùi quá sâu.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng cũng đề nghị nên tập trung vào các dự án luật mặc dù khó, phức tạp nhưng thực tiễn rất bức xúc. Theo ông Dũng, các luật mà ông Khoa vừa đề cập khó nhưng rất bức thiết, nên cần cố gắng sửa sớm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn đối với một số dự án luật khó, cần lường trước để đưa vào, ví dụ Luật biểu tình nếu không làm, dây dưa để kỳ họp sau dễ bị hiểu “vì lý do khác” chứ không phải không làm được, như vậy tự mình sẽ làm khó cho mình. Đối với Luật Quốc phòng cũng là dự án luật rất quan trọng nên cần đưa vào chương trình sớm.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nội dung này cần phải căn cứ vào chương trình của nhiệm kỳ để kiểm điểm trước Quốc hội và việc đưa vào chương trình các dự án luật phải có sự ưu tiên và không nên kỳ XIII thảo luận rồi kỳ XIV thông qua.

“Một số luật quan trọng như Luât Bảo vệ bí mật nhà nước sao lại không đưa vào chương trình? Bao vụ việc lộ bí mật nhà nước đã xảy ra, ai chịu trách nhiệm việc này? Hay Luật truy nã tội phạm cũng hệ trọng nhưng sao lại không làm? Rồi Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, Luật chứng khoán, Luật đô thị cũng đều rất quan trọng nhưng lại không được đưa vào. Chúng ta không chạy nhanh quá nhưng cũng không rủng rỉnh ngắm cảnh ngắm hoa vào cuối nhiệm kỳ”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Báo cáo Thẩm tra của Ủy ban Pháp Luật cũng đánh giá với việc điều chỉnh quá nhiều như hiện nay là vấn đề cần phải được xem xét, rút kinh nghiệm; đồng thời đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan cần có kế hoạch, bố trí thời gian, cũng như các điều kiện cần thiết bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh./.