Thảo luận tại tổ về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2015, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh khóa XIII và năm 2014 của Quốc hội, chiều 21/5, nhiều đại biểu cho rằng, cần sớm xây dựng Luật biểu tình. Tuy nhiên, một luồng ý kiến khác cho rằng, chưa cần thiết phải xây dựng luật này.

cong-nhan-binh-duong.jpg
Công nhân ở Bình Dương

Thảo luận tại tổ TP HCM, các đại biểu Đỗ Văn Đương, Trương Trọng Nghĩa, Huỳnh Thành Đạt… nêu sự cần thiết phải xây dựng Luật biểu tình. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: Vừa rồi, Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhu cầu lớn của nhân dân là biểu tình. Chúng ta chưa có khung pháp lý cho các cơ quan chức năng điều chỉnh nên dễ dẫn đến những hành vi bạo động bạo loạn.

“Quốc hội nên bổ sung vào chương trình kỳ họp thứ 8 để góp ý và thông qua tại kỳ họp thứ 9. Điều này sẽ đáp ứng nhu cầu cuộc sống, tránh những thiệt hại như vừa qua. Chính vì không có luật nên khi xảy ra sự việc chúng ta lúng túng” – đại biểu Nghĩa nhấn mạnh.

Cũng theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, chúng ta nhìn thấy vấn đề phát sinh của các nước khác, do các nguyên nhân chính trị xã hội, bức xúc giữa các phe nhóm… nên biểu tình là chủ yếu là đánh nhau. Của ta mục đích yêu cầu là chính đáng. Ngay từ năm 1945, Bác Hồ đã yêu cầu đăng ký biểu tình trước hai ngày, đồng thời qui định rõ phạm vi, thời gian, thành phần, những người nào chịu trách nhiệm, băng rôn – khẩu hiệu ghi gì… không được kích động, không được xâm phạm tài sản… “Việc xây dựng luật là trách nhiệm của nhà nước, nhưng cũng là việc của nhân dân và Hội Luật gia Việt Nam” – Đại biểu Nghĩa khẳng định.

Còn tại tổ Nghệ An, các đại biểu Nguyễn Đức Hiền, Phạm Văn Quý cũng bày tỏ sự cần thiết phải sớm ra đời Luật biểu tình. Đại biểu Phạm Văn Quý cho rằng, cần có Luật Biểu tình để tránh tình trạng diễn ra như thời gian vừa qua tại Vũng Áng (Hà Tĩnh và Bình Dương, đám đông công nhân bị kẻ xấu lợi dụng gây hậu quả xấu… Luật này ra đời còn tạo điều kiện để người dân thể hiện quan điểm của mình.

Còn theo đại biểu Nguyễn Đức Hiền, nếu có Luật Biểu tình chi phối thì khó có thể xảy ra những vụ việc như vừa qua.  

Câu chuyện nên hay không nên đưa Luật biểu tình vào chương trình xây dựng Luật của Quốc hội trong thời gian sớm nhất cũng được tranh luận sôi nổi tại đoàn Hà Nội. Theo quan điểm của Đại biểu Đinh Xuân Thảo: Trong tình hình hiện nay, người dân muốn biểu hiện lòng yêu nước cũng khó vì chưa có cơ sở pháp lý nào, lực lượng công an cũng vất vả theo.

Tuy nhiên, theo quan điểm của đại biểu Lê Hiền Vân thì việc đưa Luật Biểu tình lúc này ra lấy ý kiến là chưa hợp vì chưa cần thiết.

Cùng chung quan điểm này, Đại biểu Nguyễn Văn Thanh cho rằng, có thể quy định biểu tình trên giấy tờ như biểu ngữ làm sao, đi đứng thế nào... “Nhưng khi hàng nghìn người ra đường, họ rút từ trong người ra biểu ngữ khác, lúc đó ai cấm được? Lời người dân nói từ miệng ra ai kiểm soát được?”, đại biểu Nguyễn Văn Thanh nói.

Làm rõ hơn nội dung này tại tổ Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng, trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vi phạm chủ quyền của Việt Nam, người dân đã bức xúc, biểu lộ tình cảm, trách nhiệm qua việc tuần hành tự phát trên đường phố, đó là hành động thể hiện lòng yêu nước. Bộ trưởng Bắc Son khẳng định: “Chúng ta không có quyền ngăn cản lòng yêu nước của nhân dân, nhưng tất cả phải hoạt động theo pháp luật”.

Theo Bộ trưởng Bắc Son, nhu cầu cuộc sống cần có Luật Biểu tình, nhưng chương trình Quốc hội kỳ này đã có khá nhiều luật. Nếu cố gắng xây dựng Luật Biểu tình cũng được nhưng chất lượng không cao. Khi chưa có Luật Biểu tình, có thể thực hiện theo Nghị định 38 (năm 2005).

Trước đó, trong họp báo trước kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội khẳng định từ nay đến hết năm 2015 có thể Luật Biểu tình chưa được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội./.