GDP nửa đầu năm 2021 đạt mức khá cao so với thế giới
Trình bày Báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 sáng 22/7, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nêu rõ, tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm đạt khoảng 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỷ giá, lãi suất ổn định.
Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách trung ương được bảo đảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.
“Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng nhờ sự nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân, tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm đạt những kết quả tích cực là cơ bản; kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn so với cùng kỳ, các cân đối lớn được bảo đảm”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định.
Trình bày Báo cáo thẩm tra về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nêu rõ Ủy ban Kinh tế tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ, theo đó, GDP 6 tháng đầu năm ước đạt khoảng 5,64%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra , nhưng đây là mức tăng tích cực trong bối cảnh khó khăn.
Ủy ban Kinh tế cũng chỉ rõ: CPI bình quân 6 tháng tăng thấp nhất kể từ năm 2016, sức cầu trong nước yếu, tuy nhiên CPI tháng 5, tháng 6 tăng lần lượt 2,9% và 2,41% so với cùng kỳ, cùng với tình trạng bong bóng tài sản, tình hình giá cả thế giới có xu hướng tăng cao, có thể gây áp lực lạm phát cho những tháng tiếp theo; tình trạng sốt nóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán có thể gây hệ lụy cho kinh tế vĩ mô.
“Đề nghị đánh giá rõ cơ cấu hàng hóa xuất khẩu sang Hoa Kỳ và nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc; kết quả công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, đầu cơ găm hàng, thao túng thị trường; cung cấp số liệu, làm rõ nguyên nhân thiếu hụt container, chi phí vận tải đối với một số ngành hàng tăng cao so với thời điểm trước khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh.
Giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 29,02% kế hoạch, thấp hơn mức 34% của cùng kỳ năm trước, vốn nước ngoài giải ngân rất thấp, chỉ đạt 7,37%; có 09 Bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn; 03 Bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 1%. Vốn đầu tư phát triển của các chương trình mục tiêu quốc gia đã được Quốc hội phân bổ 16.000 tỷ đồng nhưng đến nay chưa được giao kế hoạch, không có khả năng giải ngân trong những tháng cuối năm 2021.
Các khoản nợ xấu tiềm ẩn còn ở mức cao, tổng nợ xấu nội bảng, nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 483.200 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 4,71%, nợ xấu nội bảng tiếp tục tăng (cuối tháng 4/2021 là 1,78%). Nợ xấu tín dụng các dự án BOT, BT giao thông giảm so với cuối năm 2020, tuy nhiên chưa phản ánh chất lượng nợ do nợ nhóm 2 là 5.912 tỷ đồng, chiếm 5,48% và hiện có 54 dự án có doanh thu từ phí không đạt như phương án tài chính.
Mặt bằng lãi suất giảm nhưng chưa thực sự mang lại hiệu quả kích thích vay vốn. Hoạt động của doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp có quy mô nhỏ, (70.209 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 24,9%; 35.607 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 22,1% so với cùng kỳ).
“Tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng sốt đất, đầu cơ đất, nhiễu loạn thông tin quy hoạch đất, nhất là các khu vực vùng ven các đô thị lớn. Đề nghị đánh giá khả năng bong bóng tài sản và những rủi ro đến kinh tế vĩ mô; phân tích kỹ hơn tình trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ gia tăng trong thời gian qua với lãi suất cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nêu rõ.
Kiên trì thực hiện “mục tiêu kép”
Trong bối cảnh đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng thời gian qua nhưng còn nhiều khó khăn, thách thức trong thời gian tới với những diễn biến và tác động khó lường của đại dịch COVID-19, nhiệm vụ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian còn lại của năm 2021 là rất nặng nề, khó khăn.
“Chúng ta phải phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước; kế thừa, phát huy những kết quả đạt được; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, vừa phòng chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng và hội nhập quốc tế sâu rộng, hiệu quả”, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Trong những tháng còn lại của năm 2021, Chính phủ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Kiểm soát lạm phát, tăng trưởng tín dụng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm vốn cho nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro.
Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vaccine”; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hoá nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vaccine; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vaccine trong nước…/.