Chiều nay (4/11), Quốc hội thảo luận ở tổ về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3/12/2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh. Nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về hiệu quả của dự án này.

duong%20hcm.jpg
Đường Hồ Chí Minh rất ít xe qua lại (ảnh hanoimoi)

Đại biểu Đỗ Văn Đương (đoàn TP HCM) cho biết: Tôi thường đi tuyến đường này thấy xe khách rất ít, xe tải cũng rất ít vì không khai thác được khách. Kể cả xe tư nhân cũng vắng vì không có trạm sửa chữa, thậm chí cả trăm km không có trạm nghỉ chân, chưa kể thiếu vắng đường nhánh. “Nói thẳng là không hiệu quả vì chủ yếu là xe chạy theo hợp đồng, chạy một mạch. Trong khi Quốc lộ 1A vừa nâng cấp đã quá tải, cũng như cứu đói thì phải cứu chỗ cấp thiết, hiệu quả theo tinh thần thu hẹp nơi chưa cần thiết. Tập trung vốn cho quốc lộ 1A, cấp thiết mà chưa có đường, tránh việc “nơi cần đi chưa có đường, nơi không cần lại làm” – đại biểu Đỗ Văn Đương nhấn mạnh.

Ở khía cạnh khác, đại biểu Huỳnh Minh Thiện (đoàn TP HCM) cho rằng, còn nhiều bất cập trong tổ chức thực hiện dự án trong khi thời gian kéo dài, quy mô lớn, rất rộng, nguồn vốn đa dạng (ngân sách, trái phiếu Chính phủ, ODA, BOT, BT), quản lý các dự án thành phần không giống nhau. Vì thế, theo ý kiến của đại biểu: “Không nên giao cho Bộ GT-VT mà do 1 Phó Thủ tướng phụ trách, với sự tham gia của nhiều bộ. Như hiện nay, đường xuống cấp mà cách làm không ổn”.

Vốn ở đâu?

Bày tỏ băn khoăn về vốn đầu tư cho công trình này, đại biểu Võ Thị Dung (đoàn TP HCM) cho rằng: Nguồn vốn trong tờ trình của Chính phủ không thấy phần đầu tư đường kết nối vào đường Hồ Chí Minh mà nếu thiếu thì tuyến đường không hiệu quả. Tuyến đường xương cá này cũng cần số vốn rất khổng lồ.

Cùng chung mối băn khoăn này, đại biểu Vũ Chí Thực (đoàn Quảng Ninh) cho rằng, việc tiếp tục đầu tư vào con đường này là tốt nhưng không biết lấy vốn ở đâu. Tờ trình của Chính phủ về vốn và phân kỳ đầu tư còn rất “tù mù”. Nếu chưa bố trí được vốn thì có nghĩa là phải phát hành trái phiếu nữa vì phần lớn trái phiếu phát hành năm tới tập trung vào QL1a và 14.

“Trong thời gian hiện tại, khi đường 1 thường xuyên ngập lụt, thì nên tập trung vào duy tu, bão dưỡng để tránh lũ. Về lâu dài thì cần thiết mở rộng con đường này còn hiện nay không phải cấp bách” – đại biểu Vũ Chí Thực nói.

Đại biểu Lê Trọng Sang (đoàn TP HCM) băn khoăn với báo cáo giám sát của Uỷ ban KH,CN-MT. Chính phủ chưa khảo sát đầy đủ con đường, chưa xác định nguồn vốn. “Không xác định vốn thì dù điều chỉnh không lớn cũng nan giải” – đại biểu Sang nói.

Còn theo quan điểm của ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách, Dự án đường Hồ Chí Minh được xây dựng trong một quãng thời gian khá dài do chạy suốt chiều dài đất nước, qua nhiều vùng hiểm trở, địa hình phức tạp. Việc đề nghị bổ sung vốn này có tăng thêm so với dự toán. Nguyên nhân của việc tăng vốn này là do lúc đầu, Chính phủ đặt mục tiêu hoàn thành vào năm 2015 nhưng đang đề nghị có thể kéo dài đến năm 2020 dẫn đến giá vật tư, nhân công thay đổi trong bối cảnh lạm phát.

“Tất cả các khoản đầu tư tăng thêm đều là vốn ngân sách, trong khi dự án còn nhiều khoản khác như BOT, BT và vốn ODA” – ông Hiển nói.

Cũng theo ông Hiển, xét cho cùng thì ngân sách cũng phải chuyển giao để trả lại trong khi hiện ngân sách không dôi dư nên phải giãn ra. Do vậy, việc bổ sung cần phải tính toán cho kỹ, cần giãn, hoãn, phân kỳ đầu tư dự án cho hợp lý. Ngay cả thiết kế dự án cũng phải thay đổi vì chủ yếu vẫn làm theo cách “cổ điển”. Trung Quốc thi công đường miền núi theo cách bám địa hình mà làm, không xả ta-luy làm đường như Việt Nam. Cách làm này, dù đầu tư tăng lên nhưng sẽ hạn chế được việc sạt lở vùi lấp đường vào mùa mưa lũ, lại giữ được môi trường.

“Trong giai đoạn này, đất nước đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì giao thông rất quan trọng và phải đi trước một bước để hỗ trợ cho phát triển. Tất nhiên, đối với các dự án không hiệu quả, yếu kém thì phải mạnh tay loại bỏ và xử lý dứt điểm” – ông Hiển nói./.