Ngày 27/9 tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội tổ chức phiên họp thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giao thông đường thủy nội địa; xem xét báo cáo tình hình thực hiện dự án đường Hồ Chí Minh và việc sửa đổi Nghị quyết 38 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường Hồ Chí Minh.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, tiến độ thực hiện giai đoạn 1 dự án đường Hồ Chí Minh đã đáp ứng yêu cầu theo Nghị quyết 38 của Quốc hội. Đến năm 2007, cơ bản hoàn thành đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum).

Theo Nghị quyết 38 thì đến năm 2010, phải nối thông đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó đến Đất Mũi với quy mô 2 làn xe và đến năm 2020 nâng cấp tuyến đường đạt chuẩn cao tốc. Tuy nhiên, thời gian qua, do quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các vùng, các tỉnh đã có nhiều thay đổi, cùng với những khó khăn về nguồn vốn nên một số dự án thành phần đã phải tạm dừng, giãn tiến độ.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, để phù hợp với tình hình thực tế và khả năng nguồn lực quốc gia, cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung một số nội dung của Nghị quyết 38 về chiều dài, hướng tuyến, quy mô, tiêu chuẩn kĩ thuật và phân kì đầu tư.

Các đại biểu nhất trí điều chỉnh phân kỳ đầu tư theo hướng đến năm 2015, cơ bản hoàn thành nối thông 2 làn xe từ Pác Bó đến Đất Mũi những đoạn có nhu cầu thiết yếu, các đoạn tuyến còn lại và một số cầu lớn hoàn thành trong giai đoạn đến năm 2020.     
Trước đó, trong buổi sáng, cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa, các đại biểu đề nghị đối với các phương tiện kinh doanh vận tải hành khách, nhất là một số phương tiện đặc thù như tàu cao tốc, tàu cánh ngầm cần có quy định cụ thể, chặt chẽ về điều kiện hoạt động.

Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra  đối với người điều khiển, người cho thuê, khai thác phương tiện, về trang thiết bị phục vụ hoạt động giao thông đường thủy nội địa nhằm phòng ngừa, ngăn chặn tai nạn xảy ra.
Từ vụ tai nạn chìm ca nô ở Cần Giờ gây ra những cái chết rất thương tâm, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang, đoàn thành phố Hồ Chí Minh đề nghị dự thảo cần quy định rõ hơn về trách nhiệm của cơ quan quản lý đường thủy nội địa trước, trong và sau khi xảy ra tai nạn, nội dung tìm kiếm, khắc phục hậu quả sau khi vụ việc xảy ra.

Bên cạnh đó, công tác tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn luôn gắn liền với công tác thường trực, điều tiết, khống chế, hướng dẫn bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các điểm đen, các công trình trọng điểm trên sông trong mùa bão lũ. Vì vậy, nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo cần rà soát, bổ sung các quy định này vào dự án luật./.