Một trong những nội dung quan trọng trong Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự sửa đổi được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 7/4 còn ý kiến khác nhau là quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình khi hỏi cung bị can. Nhìn chung, các ý kiến trong cơ quan soạn thảo cũng như cơ quan thẩm tra dự án luật vẫn chưa có ý kiến thống nhất về quy định này.

Theo Viện trưởng Viện Kiểm sát NDTC Nguyễn Hòa Bình, loại ý kiến thứ nhất đề nghị để chống bức cung, nhục hình, mớm cung, bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động tố tụng hình sự, cần quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can.

nguyen_hoa_binh_11_gavf.jpgViện trưởng Viện Kiểm sát NDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết còn có ý kiến khác nhau về quy định ghi âm hoặc ghi hình khi tiến hành hoạt động hỏi cung bị can

Loại ý kiến thứ hai thì đề nghị trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay, quy định như trên sẽ rất khó bảo đảm. Vì vậy, đề nghị tiếp tục kế thừa quy định hiện hành: bắt buộc phải lập biên bản khi tiến hành hỏi cung, trường hợp xét thấy cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình hoạt động này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho biết, đa số ý kiếnthành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi.

Tuy nhiên, để góp phần khắc phục việc bức cung, nhục hình cần quy định chặt chẽ theo hướng:trong mọi trường hợp hỏi cung bị can đều phải lập biên bản và mọi biên bản hỏi cung đều phải được đưa vào hồ sơ vụ án; trong trường hợp cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình (như trường hợp bị can không nhận tội; bị can trong các vụ án giết người không quả tang; bị can tố cáo bị bức cung, nhục hình hoặc bị can về tội mà Bộ luật hình sự quy định hình phạt chung thân, tử hình).

Ý kiến khác thì cho rằng “bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” sẽ phản ánh trung thực quá trình hỏi cung, hạn chế tối đa các trường hợp bức cung, nhục hình.

Cho rằng quy định này là cần thiết, theo Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Doãn Khánh, việc ghi âm, ghi hình không những lưu chứng cứ mà còn là giám sát khách quan, vì thực tế tình trạng mớm cung, bức cung, nhục hình thường xảy ra ở giai đoạn này.

Theo Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương, việc ghi âm, ghi hình khi tiến hành hoạt động hỏi cung nếu thực hiện được là một bước tiến và thực tế việc ghi âm hoặc ghi hình đã được thực hiện đối với một số vụ án quan trọng.

“Nhưng vì điều kiện nên không thể làm hết được. Nếu cần thiết phải thực hiện thì việc bố trí kinh phí cũng rất lớn”, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: Quy trình truy tố, xét xử công khai thì khi tiến hành hỏi cung cũng phải ghi âm hoặc ghi hình. Nói thiếu tiền mà không làm là không được.

Trong phần kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng nêu rõ: Dù tốn kém thì Quốc hội vẫn đầu tư để có tài liệu chứng minh và đảm bảo tránh bức cung, nhục hình./.