Sáng 11/9, tại Hà Nội, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự. Đại diện lãnh đạo Bộ Công an tham gia giải trình.

5_cong_an_tr_iocf.jpg
TAND TP Tuy Hòa xét xử vụ án 5 nguyên sĩ quan công an dùng nhục hình làm chết một nghi phạm tại Công an  TP Tuy Hòa (Ảnh TL)
Báo cáo của Bộ Công an cho biết, thời gian qua, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong hoạt động điều tra, qua đó kịp thời phát hiện những sơ hở, thiếu sót, sai phạm xảy ra tại cơ quan điều tra các cấp. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác bắt giữ, điều tra, xử lý tội phạm, nhất là hiện tượng bức cung, nhục hình vẫn còn xảy ra.

Theo số liệu thống kê, trong 3 năm, từ năm 2011 - 2013, có 192 trường hợp cán bộ cơ quan điều tra các cấp trong lực lượng công an vi phạm pháp luật, trong đó có 107 trường hợp bị khởi tố, điều tra. Việc xử lý trách nhiệm đối với cán bộ vi phạm trong công tác điều tra xử lý tội phạm nói chung và những cán bộ trong quá trình tiến hành các hoạt động tố tụng hình sự gây oan sai, bỏ lọt tội phạm, nhất là bức cung, nhục hình nói riêng đã được lãnh đạo Bộ Công an đặc biệt quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc. Các trường hợp vi phạm đến mức khởi tố đã được cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Tại phiên giải trình, ông Nguyễn Sỹ Cương - Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đặt câu hỏi đối với các đại diện của cơ quan công an và viện kiểm sát về áp lực trong công tác điều tra là gì; đồng thời đề nghị đại diện các cơ quan này đánh giá về phẩm chất, năng lực của đội ngũ điều tra viên. Đặc biệt ông Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh câu hỏi liệu có tiêu cực trong lực lượng điều tra viên trong công tác điều tra hay không?

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Sỹ Cương, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quý Vương nêu rõ: “Phẩm chất của đội ngũ điều tra viên chính là phẩm chất đạo đức cán bộ. Trong quá trình điều tra, nhiều cán bộ điều tra viên không nêu cao tinh thần trách nhiệm, ý thức cá nhân, luôn luôn xem xét các đối tượng điều tra là đối tượng hình sự, là đối tượng có vấn đề. Đặc biệt nhiều cán bộ điều tra viên còn có tư tưởng thành tích nóng vội”.

Về đề nghị của nhiều đại biểu cho rằng cần ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quan sát, lắng nghe và kiểm soát hoạt động của điều tra viên, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho biết, Bộ đã tiến hành lắp đặt hệ thống camera ghi hình tại một số phòng hỏi cung, đặc biệt là ở nhà tạm giữ. Tuy nhiên, nếu trang bị đầy đủ hệ thống này cho các cơ quan điều tra thì cần chi phí rất lớn. Song, theo bà Lê Thị Nga, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, điều quan trọng không phải là lắp đặt được bao nhiêu thiết bị mà là ai, cơ quan nào đứng ra quản lý việc này. Vì nếu để cơ quan điều tra quản lý thì không có tác dụng.

Bà Lê Thị Nga đề nghị cần có một cơ quan độc lập đứng ra quản lý và khai thác các dữ liệu từ camera ghi hình tại phòng hỏi cung, để giảm thiểu tình trạng bức cung, nhục hình trong hoạt động điều tra vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cho rằng cần tăng cường vai trò của luật sư, để luật sư được tham gia ngay từ khi bắt tạm giam, tạm giữ bị cáo./.