Thảo luận về Dự án Luật, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành ban hành Luật, nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý đối với hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp và cơ chế phối hợp trong tổ chức thực hiện pháp luật về phòng, chống thiên tai.

Đồng thời, các đại biểu kiến nghị cần làm rõ hơn thẩm quyền của UBND các cấp, nhất là cấp cơ sở, nơi trực tiếp chỉ đạo trong việc huy động nguồn lực phòng, chống thiên tai và trong ứng phó tình trạng khẩn cấp, di dời nhân dân ra khỏi vùng thiên tai; quy định rõ thẩm quyền, trình tự thủ tục cưỡng chế, di dời, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện trong tình trạng khẩn cấp.

Thảo luận về việc thành lập Quỹ phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai quy định trong dự thảo Luật, các đại biểu cho rằng, việc thành lập quỹ cần được cân nhắc, tránh tình trạng có quá nhiều loại quỹ như hiện nay. Một số đại biểu đề nghị, dự thảo luật nên quy định và áp dụng bảo hiểm phòng, chống thiên tai và Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo mua loại hình bảo hiểm này.

Về việc quy định mức đầu tư tối thiểu từ ngân sách nhà nước (NSNN), một số ý kiến tán thành dành 2% tổng chi NSNN hàng năm cho khoa học và công nghệ. Theo các đại biểu, nhiệm vụ đặt ra cho khoa học công nghệ thời gian tới là ngoài việc huy động tối đa nguồn đầu tư ngoài ngân sách, cần phải đổi mới việc phân bổ, quản lý và sử dụng nguồn NSNN một cách hiệu quả.

Nhiều đại biểu đề nghị, khi điều kiện cho phép thì việc tăng chi NSNN cao hơn mức 2% là cần thiết để thúc đẩy hơn nữa tốc độ và chất lượng hoạt động khoa học và công nghệ.

Liên quan đến nội dung doanh nghiệp tham gia nghiên cứu khoa học công nghệ, các đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể hơn để buộc doanh nghiệp (tùy loại hình và quy mô doanh nghiệp) dành ít nhất 10% lợi nhuận trước thuế cho hoạt động khoa học và công nghệ hoặc hình thành quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; đồng thời quy định phù hợp hơn và tạo sự chủ động hơn trong việc sử dụng nguồn kinh phí này; tránh đầu tư dàn trải, bảo đảm hiệu quả đầu tư, ưu tiên tập trung đầu tư cho các tổ chức khoa học và công nghệ trọng điểm như phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia…

Đồng tình coi sản phẩm khoa học, công nghệ là sản phẩm trí tuệ, nhiều đại biểu đề nghị cần phải có những quy định mang tính đột phá, chẳng hạn quy định Nhà nước sẽ mua những sản phẩm khoa học mang lại lợi ích lớn, làm biến đổi kinh tế, xã hội…/.