Sáng 28/6, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về kết quả thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động năm 2016-2017, phương hướng phối hợp trong năm 2017-2018.

lao_dong_1_muov.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Liên tục trong 2 năm 2016-2017, Thủ tướng Chính phủ đã gặp gỡ, đối thoại với công nhân, lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và miền Trung với nhiều nội dung thiết thực, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ đối với công nhân, lao động. Đây cũng là động lực để lãnh đạo các địa phương đối thoại, gặp gỡ công nhân lao động trong tháng công nhân.

Giữa năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 665, phê duyệt Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất để chăm lo tốt hơn những quyền lợi thiết thân cho đoàn viên và công nhân, lao động. Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động đã đầu tư xây dựng 3 thiết chế công đoàn đầu tiên tại 3 tỉnh là Hà Nam, Quảng Nam và Tiền Giang.

Các ý kiến tại buổi làm việc tập trung vào việc cần phối hợp, nghiên cứu để điều chỉnh lương tối thiểu cho phù hợp; có biện pháp, chế tài buộc doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân; việc đào tạo nâng cao tay nghề cho công nhân; xây dựng thiết chế cho công nhân…

Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng thông tin về những tín hiệu tích cực của nền kinh tế nửa đầu năm nay và cho rằng, trong thành quả quan trọng đó, có sự đóng góp trực tiếp, to lớn của giai cấp công nhân Việt Nam.

Thủ tướng cũng đánh giá cao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, trong đó xây dựng thiết chế văn hóa công đoàn tại 3 tỉnh; tổ chức hai Tết lao động trong hai năm tại miền Nam và miền Trung, tạo khí thế thực sự về mặt chính trị xã hội.

Tổng Liên đoàn cũng đã có giải pháp bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân, ban hành Bộ nhận diện công đoàn Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin trong một số việc mà đoàn viên công đoàn được hưởng lợi.

Tổng Liên đoàn đã phối hợp xử lý các tồn tại trong quan hệ giữa doanh nghiệp và công nhân, đặc biệt là ở cấp cơ sở. Nhìn chung, đời sống của công nhân, lao động được nâng lên, số cuộc đình công, lãn công giảm.  

Thủ tướng đề nghị cả Phó Thủ tướng và Bộ trưởng cũng phải tăng cường đối thoại với công nhân, người lao động để lắng nghe ý kiến của họ
Thời gian qua, Chính phủ và Tổng Liên đoàn cũng đã có sự phối hợp thực chất hơn. Trong đó, Tổng Liên đoàn khẳng định trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống pháp luật, tham gia đóng góp ý kiến vào 182 dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư; ký kết chương trình phối hợp với 9 bộ.

Công tác kiểm tra giám sát thực hiện pháp luật và chính sách liên quan đến quyền lợi của công nhân tốt hơn. Các phong trào thi đua, tập trung phát huy truyền thống giai cấp công nhân; tổ chức thành công Chương trình Vinh quang Việt Nam với chủ đề: Dấu ấn 30 năm đổi mới.

Thủ tướng cho biết, Chính phủ, Thủ tướng luôn quan tâm đặc biệt đến đời sống vật chất và tinh thần của công nhân, lao động, đặt ra vấn đề nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, xây dựng thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động. Nhất là trong hai năm qua, Thủ tướng dành nhiều thời gian giải quyết các kiến nghị của công đoàn. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu lên một số nội dung phối hợp giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, như việc ưu tiên lao động tại công ty cổ phần có vốn Nhà nước được mua cổ phần khi Nhà nước thoái vốn; vấn đề hỗ trợ kinh phí để tổ chức Công đoàn triển khai chương trình khuyến khích học tập nâng cao trình độ tay nghề cho công nhân, lao động… Thủ tướng yêu cầu các cơ quan liên quan kiểm tra, đôn đốc để thực hiện tốt nhiệm vụ phối hợp này, thể hiện sự quan tâm đến giai cấp công nhân.

Về nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tiếp tục tham gia xây dựng thể chế, chủ động đóng góp ý kiến xây dựng và phổ biến kiến thức pháp luật, cơ chế liên quan đến chế độ người lao động. Việc xây dựng thể chế phải xuất phát từ thực tiễn để đảm bảo đi vào cuộc sống và quyền lợi cho công nhân, lao động. Cùng với đó là phối hợp với các cơ quan chức năng tháo gỡ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh tạo việc làm.

“Qua hai cuộc tiếp xúc vừa rồi tôi thấy là công nhân, người lao động lo lắng về tuổi tác, tay nghề. Cho nên việc đào tạo nghề, nhất là những nghề mới trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ, phải được chú trọng hơn cho giai cấp công nhân. Quan tâm về lâu dài là ở đó. Trong một đời người lao động họ chuyển nghề mấy lần chứ không phải một lần duy nhất. Một nghiên cứu ở Mỹ cho thấy như vậy. Chu kỳ lao động này phải được đào tạo, huấn luyện như thế nào và ý thức của chúng ta thế nào? Vấn đề này cả Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp, phát huy tuổi lao động của người lao động chúng ta trong cuộc cách mạng này”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng trò chuyện với các đại biểu tham dự buổi làm việc
Cùng với đó là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, góp phần củng cố niềm tin của công nhân, lao động. Tổng Liên đoàn Lao động và công đoàn các cấp cần tập trung chăm lo đời sống lao động, trước hết là đảm bảo thực hiện BHXH, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT. Cùng với đó là nâng cao hiệu quả giám sát xã hội. Cần phối hợp trong việc kiểm tra giám sát việc thực hiện pháp luật lao động, kịp thời kiến nghị tháo gỡ vướng mắc, xử lý nghiêm các vi phạm. 

Thủ tướng cũng yêu cầu hai bên phối hợp tổ chức các phong trào thi đua, động viên người lao động đóng góp vào cơ sở và đất nước.  

“Tôi đề nghị có thể là các Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, chứ không phải chỉ Thủ tướng, phối hợp tổ chức tốt các buổi gặp gỡ đối thoại giữa lãnh đạo với công nhân, người lao động, để lắng nghe ý kiến của người lao động. Trong đó có cuộc gặp giữa Thủ tướng và đại diện các đại biểu tham dự Đại hội Công đoàn Việt Nam. Hay gặp người lao động 2018 tại phía Bắc vào Tết Lao động. Mỗi năm một lần phải làm thường niên và làm cho tốt hơn nữa, thiết thực hơn nữa, tạo khí thế tốt”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn sau buổi làm việc
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng đã trực tiếp giải quyết một số kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có việc sửa đổi Bộ Luật lao động cần nghiên cứu để phù hợp với thực tiễn, nhất là về vấn đề giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu, bữa ăn giữa ca…; chỉ đạo sớm ban hành hướng dẫn thực hiện khoản 7, điều 10 của Luật Bảo hiểm xã hội về biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng về BHXH của người lao động; kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách lãi suất ưu đãi cho công nhân lao động mua nhà ở trong các khu công nghiệp, khu chế xuất…/.