Sáng 7/12, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Vũ Đức Đam, lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố.
Ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, Ngân hàng được giao thực hiện các chương trình tín dụng nhà ở xã hội cho người nghèo, nhà vượt lũ ở đồng bằng Sông Cửu Long; nhà tránh bão, lũ ở Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung, nhưng nhu cầu vay vẫn còn rất lớn.
Đồng tình với kiến nghị của Quảng Nam, trước mắt tập trung giải ngân cho các đối tượng làm nhà vượt lũ, trong 27.196 hộ mới giải ngân được hơn 10.000 hộ. Ông Dương Quyết Thắng cho biết thêm: “Trong khi Bộ Tài chính chưa cấp vốn, Ngân hàng đã ứng tiền giải ngân chương trình này. Còn chương trình người nghèo giai đoạn 2, số vốn 6.700 tỷ đồng, Ngân hàng có thể huy động được 50%, số còn lại đang chờ ngân sách. Năm 2016, vốn ngân sách cần cấp 389 tỷ đồng vẫn chưa được thực hiện, nhưng chúng tôi đã giải ngân được 255 tỉ đồng”.
Hội nghị đã nêu lên những vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội như nguồn vốn đầu tư hạn hẹp; thủ tục giải ngân cho người vay mua nhà lại phức tạp, nhất là yêu cầu người nghèo, công nhân chứng minh thu nhập. Một nhà đầu tư nhà ở xã hội cho biết, thủ tục hành chính trong việc xây dựng các dự án nhà ở xã hội cũng rườm rà, thậm chí nhiều gấp đôi so với các dự án nhà ở thương mại. Bên cạnh đề nghị đơn giản các thủ tục hành chính đối với các dự án nhà ở xã hội, thì vấn đề hỗ trợ vốn, mặt bằng đất sạch cho các chủ đầu tư cũng được nêu ra. Cùng với đó cần có chương trình hỗ trợ cho người dân có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội; tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân có thể mua nhà tại những địa phương mà họ làm việc. Các dự án nhà ở xã hội phải đồng bộ các thiết chế văn hóa để đảm bảo chất lượng cuộc sống cho người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu thực tế, có đến 80% người dân có nhu cầu nhà ở đều muốn có nhà ở xã hội, vì phù hợp với khả năng chi trả. Trong khi đó, tại nhiều địa phương xảy ra tình trạng có nhiều khu đất còn đang bỏ hoang, tức đất đai còn, nhu cầu người dân có, tiền tiết kiệm trong dân có, chính sách đã đủ, nhưng phát triển nhà ở xã hội vẫn chậm.
Do vậy, Phó Thủ tướng cho rằng, các địa phương cần phải coi phát triển nhà ở, trong đó có phát triển nhà ở xã hội là một kênh đầu tư, thúc đẩy sản xuất. Vì đây là lĩnh vực có tỷ lệ nội địa hóa từ 70 - 100%, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó là thu hút người dân đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
“Tạo điều kiện để các hộ gia đình tham gia phát triển nhà ở xã hội, tức là xã hội hóa nhà ở xã hội. Nội dung này đã được quy định trong Luật Nhà ở, trong Nghị định hướng dẫn. Nếu các địa phương quan tâm quy hoạch tốt để người dân tham gia, sẽ vừa góp phần nâng cao đời sống người dân, những người có nhu cầu đầu tư, đồng thời vừa đáp ứng nhà ở. Hiện 80% nhà ở các khu công nghiệp, khu công nhân là do người dân đầu tư để cho thuê”, Phó Thủ tướng nêu rõ.
“Nhà ở cho công nhân, thuộc nhóm nhà ở xã hội, đang còn nhiều bất cập. Chính phủ rất lo lắng nhà ở công nhân. Các nhóm đối tượng khác đều phải được quan tâm, đẩy mạnh hỗ trợ, triển khai đúng chương trình kế hoạch, nhưng cũng phải tập trung giải quyết bức xúc hiện nay là nhà ở cho công nhân. Hiện 1,5 triệu người chưa có nhà ở tối thiểu cần thiết, có thể thấy đời sống công nhân quá khó khăn, nhất là tại các khu công nghiệp, tỷ lệ còn quá thấp”, Thủ tướng nêu thực tế.
Thủ tướng biểu dương các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Hà Nội, Đồng Nai đã có bước đi tích cực trong việc lo nhà ở cho công nhân, nhưng cũng nhắc nhở các địa phương khác còn thực hiện chậm.
Thủ tướng cho rằng, chính sách pháp luật cơ bản đã có, vấn đề còn lại là nhận thức, địa phương có làm không? thường vụ, tỉnh ủy, thành ủy, UBND có quyết tâm chính trị để triển khai cụ thể không? Các bộ, ngành trung ương có đặt vấn đề nguồn lực cho phát triển nhà ở xã hội không? “Định hướng là phải có nhiều phương thức để làm nhà ở xã hội, nhất là nhà ở cho công nhân. Đầu tiên là khuyến cáo các chủ doanh nghiệp phải làm, lo đời sống công nhân”, Thủ tướng nêu rõ.
Với phương châm “đông tay vỗ nên kêu”, Thủ tướng cho rằng, ngoài vốn từ ngân sách, chủ các khu công nghiệp cũng phải lo việc phát triển nhà ở cho công nhân; trong quy hoạch phát triển khu công nghiệp phải dành đất đai cho phát triển nhà ở. Cùng với đó là huy động các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, huy động chính công nhân và người dân đầu tư làm nhà ở xã hội.
Về giải pháp thời gian tới, Thủ tướng giao Bộ Xây dựng chủ trì, tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế cho phát triển nhà ở xã hội. Trong đó đảm bảo quy trình thủ tục thuận lợi. Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu các giải pháp tín dụng, thuế, bù lãi suất để khai thác các nguồn lực trung và dài hạn từ xã hội, theo hướng giảm dần nguồn lực ngân sách.
Cùng với đó là tiếp tục nâng cao chất lượng nhà ở xã hội, có cơ cấu sản phẩm phù hợp, đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và xã hội thiết yếu về giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa. Trong một khu đô thị phải gồm cả nhà ở cho thuê, nhà thương mại, dành một tỷ lệ nhà cần thiết, có thể là 50% số lượng, cho công nhân mua theo dạng nhà ở xã hội.
Tại hội nghị, Thủ tướng cũng đồng ý với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thực hiện có hiệu quả Đề án thí điểm xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao tại khu công nghiệp. Nhà nước sẽ có hỗ trợ trong quá trình triển khai./.