Chiều 25/2, tại Hà Nội, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tỉnh ủy Tuyên Quang tổ chức Hội thảo trực tuyến: “Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng – Giá trị lý luận và thực tiễn”. Đây là hoạt động kỷ niệm 70 năm Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng (2/1951 – 2/2021) và chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Hội thảo được kết nối trực tuyến giữa trung tâm Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với tỉnh Tuyên Quang, các Học viện Chính trị khu vực I, II, III, IV, Học viện Báo chí Tuyên truyền và một số trường Chính trị tỉnh, thành phố trong cả nıróc.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương chủ trì vào trình bày báo cáo đề dẫn tại Hội thảo. 

Ban Tổ chức Hội nghị đã được nhận gần 40 tham luận của các nhà khoa học, tập trung vào phân tích, làm rõ bối cảnh, tình hình quốc tế và những chuyển biến của cách mạng Việt Nam trong những năm đầu thập niên 50 của thế kỷ XX; làm rõ những điều quyết định đúng đắn, trọng đại của Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng về tổ chức và đường lối cách mạng nhằm đưa kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn và tiến lên nghĩa xã hội; khẳng định tầm vóc, ý nghĩa – giá trị lý luận và thực tiễn của Đại hội đại biểu thứ II của Đảng đối với tiến trình cách mạng Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, những kinh nghiệm, bài học được nghiên cứu, đúc kết và rút ra từ Hội thảo là tài liệu, cơ sở lý tuận để tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ; đấu tranh với những quan điểm sai trái, phản động của các thế lực thù địch; củng cố và nâng cấp niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt phát huy tinh thần cách mạng và khí thế tấn công của Đại hội II để quyết tâm nhanh chóng đưa nghị quyết của Đại hội lần thứ XIII của Đảng vào cuộc sống.

Đại hội lần thứ II của Đảng được tổ chức vào năm 1951 với tinh thần “Đoàn kết, nhất trí, giành độc lập cho Tổ quốc, dân chủ cho nhân dân và hòa bình cho thế giới” có sự tham dự của 211 đại biểu đại diện cho hơn 760.000 đảng viên trong nước. 

Đại hội đã để lại dấu đậm nét với những quyết định trọng đại: Đảng ra hoạt động công khai với tên gọi mới Đảng Lao Động Việt Nam; tổ chức Đảng cách mạng của nhân dân Lào và Campuchia, thông qua Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam - Cương lĩnh thứ ba của Đảng.

Các đại biểu đã tập trung thảo luận và thông qua nhiều văn kiện quan trọng như Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ mới của Đảng… Đại hội đã tổng kết lý luận cách mạng Việt Nam, xác định đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến lên chủ nghĩa xã hội; công khai tuyên Việt Nam là tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á, một bộ phận của phe dân chủ trên thế giới.

Với đường lối cách mạng đúng đắn, khoa học và sáng tạo của Đại hội lần thứ II và Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng đã lãnh đạo quân và dân Việt Nam thực hiện xuất sắc hai nhiệm vụ: Đưa kháng chiến chống Pháp thắng lợi hoàn toàn và tổ chức Đảng Lao động Việt Nam.

Ông Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, vai trò ý nghĩa to lớn của Đại hội II là cơ sở để khẳng định rằng sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Điều này cho chúng ta thêm niềm tin vào sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, vào tương lai tươi sáng, rạng ngời của đất nước và dân tộc.

"Với những mục tiêu, định hướng, các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp chiến lược đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng đề ra, chúng ta càng có thêm ý chí quyết tâm, lập nên kỳ tích phát triển mới” - ông Nguyễn Xuân Thắng nói./.