Tập hợp ý kiến của người dân không đúng ý dân

Tại tọa đàm khoa học nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, tập hợp, phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước vừa được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức, Đỗ Văn Đương, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội chỉ ra một thực tế hiện nay việc tập hợp ý kiến của người dân không đúng ý dân. Việc tập hợp chung chung nên đưa giải pháp chung chung, làm cũng được không làm cũng được. Trong khi vấn đề quan trọng là giải quyết các ý kiến đó.

Ông Đương cho rằng,  báo cáo tổng hợp ý kiến của người dân, bên cạnh những vấn đề chung cần có một danh sách về vấn đề cụ thể để đến tận tay ĐBQH yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét… “Nếu các ý kiến của cử tri chỉ tổng hợp theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” thì ĐBQH, MTTQ chỉ giống chim bồ câu đưa thư”- ông Đương nói.

Theo ông Đỗ Văn Đương, MTTQ là nơi tập hợp thì phải có giải pháp tăng cường giám sát, kích hoạt các cảm biến xã hội để các kiến nghị đi vào thực tế, không để bất cứ rào cản nào làm ảnh hưởng đến việc đưa ý kiến người dân đến được các cơ quan thẩm quyền. Phải tăng cường giám sát việc thực hiện những kiến nghị sau giám sát, tránh tình trạng buông xuôi, ném đá ao bèo.

Ông Trần Tấn Ngời, Phó Chủ tịch MTTQ TP HCM cho rằng, nếu ý kiến của người dân không được tiếp thu giải quyết thấu đáo thì họ cũng không muốn đóng góp ý kiến. “Nhiều ý kiến người dân nói rất là tâm tư nhưng tiếp thu như thế nào là vấn đề. Cho nên phải làm sao để người dân nói hết tâm tư nguyện vọng của mình, dù họ có nói rát lòng như thế nào đó thì cũng phải có cơ chế để lắng nghe, tiếp thu, giải quyết”.

Nhấn mạnh việc nắm bắt ý nguyện của người dân không phải là phản ánh một cách trần trụi mà phải tái cấu trúc các ý nguyện đó, theo GS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật,  UBTƯ MTTQ Việt Nam,  việc “tái cấu trúc” phải hướng tới việc phản ánh hướng tới mục đích gì và tái cấu trúc những ý nguyện theo từng đối tượng khác nhau để thể hiện ý kiến, kiến nghị của họ.

“Báo cáo kiến nghị của MTTQ Việt Nam trước Quốc hội phải phát huy hơn nữa sức mạnh của MTTQ Việt Nam các các tổ chức thành viên, của từng người dân, cùng với đó cũng cần hướng tới mục đích của từng kỳ họp Quốc hội”- GS Đường nói.

Không đợi khoa học chín muồi rồi mới hành động

Tại buổi tọa đàm, ông  Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam trăn trở “Làm thế nào để biết được nhân dân đang nghĩ gì, mong muốn gì?”. Vì thế, tìm hiểu những gì người dân nghĩ và mong muốn vừa là nhu cầu, vừa là chức năng của MTTQ như đã được hiến định và luật hóa. Luật MTTQ đã nói rõ, MTTQ Việt Nam đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân. Điều đó yêu cầu MTTQ Việt Nam phải biết nhân dân đang nghĩ gì và đây cũng là cốt lõi trong công tác giám sát của MTTQ Việt Nam. 

“Ý kiến của nhân dân về các chủ trương của Đảng, Nhà nước, những sáng kiến giúp đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc là trọng tâm của yêu cầu này”- ông Thiện Nhân khẳng định.

vov_mat_tran_1_cthu_fpni.jpg
Ông Nguyễn Thiện Nhân
Ông Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Việc nắm bắt ý kiến của nhân dân là yêu cầu được Đảng, Nhà nước đề cập ngày càng sâu sắc hơn. Năm 1982, Viện nghiên cứu dư luận xã hội thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương  đã được thành lập. Đặc biệt gần đây Ban Bí thư cũng có Kết luận số 100 về công tác điều tra nắm bắt dư luận xã hội.

Hai năm gần đây, MTTQ Việt Nam đã có cam kết hàng quý tập hợp và phản ánh tình hình nhân dân, ý kiến nhân dân về tình hình đất nước và kiến nghị với hệ thống chính trị. Từ trách nhiệm chính trị và thực tiễn, các địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đã đóng góp nhiều ý kiến trong báo cáo định kỳ 6 tháng một lần để Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam báo cáo trước Quốc hội về ý kiến, kiến nghị của nhân dân và cử tri. 

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân để phản ánh kịp thời, chính xác về tình hình đất nước cần có sự thống nhất về phương pháp thực hiện, nội dung triển khai để khắc họa rõ nét hơn ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Dù có nhiều góc độ khác nhau, nhưng trước tiên phải làm rõ những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, gắn bó với từng tầng lớp cụ thể và lý giải được vì sao nhân dân lại suy nghĩ như thế.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần nghiên cứu về xu hướng và mức độ quan tâm của nhân dân ra sao, những vấn đề về xã hội đã ảnh hưởng đến tư tưởng của nhân dân thế nào và những vấn đề tiêu cực nào cần làm rõ địa chỉ, nguyên nhân.  “Chúng ta mong muốn nhân dân hiểu về tình hình đất nước, hiểu về sự phát triển xã hội, tình hình quốc tế và có thái độ tích cực với sự phát triển đất nước, thì phải phản hồi những ý kiến của nhân dân để tạo sự đồng thuận, khuyến khích nhân dân có sáng kiến và thay đổi nhân thức trong đó công tác tuyên giáo và vai trò của truyền thông sau khi nắm bắt được tình hình nhân dân là đặc biệt quan trọng”.

“Chúng ta là người làm thực tiễn, chúng ta không đợi khoa học chín muồi trong mỗi con người rồi mới hành động mà hãy hành động vì cuộc sống. Nếu đứng ngoài cuộc sống, chúng ta sẽ không dám nói sâu về những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, kiến nghị của người dân”- ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh./.