Nhận lời mời của Thủ tướng Canada Justin Trudeau, từ ngày 8-10/6/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam được mời tham dự hội nghị G7 mở rộng và là lần đầu tiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Canada trên cương vị Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chào mừng Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm Việt Nam (tháng 11/2017) |
Diễn ra từ ngày 8-9/6 tại Charlevoix, Quebec, Canada, Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay sẽ tập trung vào nhiều nội dung như: “Thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ”; “Hợp tác hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ đại dương và phát triển năng lượng sạch”; “Xây dựng một thế giới hòa bình và an toàn hơn”...
Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng được tổ chức vào ngày 9/6 với sự tham dự của các nước G7, Liên minh châu Âu và các khách mời bao gồm Việt Nam, Argentina, Bangladesh, Haiti, Jamaica, Kenya, Nam Phi, Rwanda, Samoa, Senegal, Seychelles và một số các tổ chức quốc tế. Hội nghị tập trung thảo luận 3 nhóm chủ đề chính gồm: Xây dựng khả năng chống chịu, tính ứng phó của các cộng đồng ven biển; Hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương; Thúc đẩy các giải pháp xử lý rác thải nhựa ở các Đại dương.
Việc Canada mời Thủ tướng Chỉnh phủ dự hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay xuất phát từ vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đặc biệt sau khi Việt Nam tổ chức thành công Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương APEC 2017; và sau khi quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada được thiết lập. Các nội dung của Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay cũng là mối quan tâm của Việt Nam, vốn là nước đang chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.
Sau khi dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng năm nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ thăm Canada. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Canada đạt được nhiều bước phát triển tích cực về chính trị ngoại giao, kinh tế-thương mại, hợp tác phát triển, giáo dục đào tạo, giao lưu nhân dân, đặc biệt hai nước đã nâng quan hệ Đối tác toàn diện cuối năm 2017, nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Justin Trudeau.
Theo đó hai nước tập trung vào 7 lĩnh vực hợp tác là: chính trị - ngoại giao, thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển, quốc phòng - an ninh, văn hóa - giáo dục, khoa học - công nghệ và giao lưu nhân dân.
Thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/8/1973, Việt Nam-Canada đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, trong đó Cựu Thủ tướng Canada Jean Chretien thăm Việt Nam (5/2017); Thủ tướng Justin Trudeau thăm chính thức và dự Hội nghị Cấp cao APEC 2017 (11/2017). Vào tháng 9/2014, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Canada.
Với tiềm năng lớn về hợp tác thương mại - đầu tư, năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đạt gần 5 tỷ USD. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN. Canada đứng thứ 14/112 nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 149 dự án trị giá 4,1 tỷ USD.
Đến nay, Canada đã hỗ trợ Việt Nam hơn 800 triệu CAD vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Canada cũng đã công bố một số khoản hỗ trợ ODA khác cho Việt Nam triển khai các dự án phát triển hợp tác xã và an toàn thực phẩm.
Về hợp tác giáo dục-đào tạo, hiện du học sinh Việt Nam tại Canada tăng gấp đôi trong 10 năm qua, đưa Việt Nam trở thành nước lớn nhất trong số các nước ASEAN có du học sinh tại Canada (trên 7.000 trong tổng số 12.000).
Trong bối cảnh quan hệ hợp tác Việt Nam-Canada diễn ra tốt đẹp, chuyến thăm Canada và dự Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị, hợp tác với Canada và thúc đẩy Đối tác toàn diện Việt Nam-Canada; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế./.
Thủ tướng sẽ thăm Canada và dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng
Ảnh: Thủ tướng Canada Justin Trudeau thăm nhà sàn Bác Hồ
Toàn cảnh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Canada