LTS: Bắt đầu 0h ngày 30/9, thành phố Đà Nẵng mở cửa trở lại các hoạt động sản xuất kinh doanh có kiểm soát, chuyển sang trạng thái chống dịch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh. Đà Nẵng là một trong số những địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Trong đợt dịch lần thứ tư này, Đà Nẵng đã có nhiều kinh nghiệm, sáng tạo và linh hoạt khi thực hiện những biện pháp chống dịch rất quyết liệt, triệt để và đúng thời điểm. Ngay cả khi thành phố “đóng cửa- lockdown”, hơn 20 ngày “ai ở đâu thì ở đó”, cuộc sống người dân bị đảo lộn nhưng rồi mọi người đều đồng thuận với các chủ trương, biện pháp của thành phố đưa ra. Chính quyền và người dân thành phố hướng đến mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết nên việc triển khai các quy định phòng, chống dịch phù hợp đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Từ thực tế này, VOV có loạt bài “Đà Nẵng sáng tạo, linh hoạt trong phòng, chống dịch Covid-19”. Chúng tôi xin giới thiệu thứ nhất với nhan đề: “Đà Nẵng đóng sớm, đóng chặt và đóng cứng để ngăn chặn dịch Covid-19”.
Những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 tại chốt C2, cổng Khu Công nghệ cao Đà Nẵng, tất cả lái xe từ phía Bắc vào Đà Nẵng được tập kết tại một đường nhánh song song với Quốc lộ 1A. Tài xế ngồi trong một căn lều bạt để lấy mẫu test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2. Đà Nẵng là địa phương duy nhất trong cả nước thực hiện test nhanh miễn phí cho tất cả lái xe và người khi vào thành phố này. Thực hiện chủ trương này, thành phố phải bỏ ra khoản chi phí lớn, lực lượng chức năng làm việc vất vả hơn. Từ khi thực hiện test nhanh kháng nguyên SAR-CoV-2 cho tài xế đến nay, Đà Nẵng đã phát hiện hơn 10 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Với cách làm này, thành phố ngăn ngừa được mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào thành phố mà vẫn đảm bảo lưu thông hàng hóa.
Lái xe Trần Văn Trọng, tài xế xe 75C-04.009 - Công ty Cổ phần vận tải Hùng Đạt, tỉnh Thừa Thiên- Huế chở clinke vào Công ty Xi măng Hải Vân, thành phố Đà Nẵng nhận xét việc test miễn phí là rất tốt, giúp việc vận tải thuận lợi, an toàn hơn.
Xác định mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, thành phố Đà Nẵng nhanh chóng thực hiện biện pháp về giãn cách xã hội. Chiều 30/7, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã họp và ban hành Nghị quyết về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố. Theo Nghị quyết này, thành phố Đà Nẵng thực hiện các biện pháp mạnh hơn, cao hơn các biện pháp phòng, chống dịch theo nội dung Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đảm bảo phong tỏa, giãn cách và cách ly trên địa bàn toàn thành phố. Thành phố vận dụng các quy định pháp luật để áp dụng các biện pháp hạn chế người, phương tiện đi lại và một số hoạt động trong thời gian nhất định, trừ trường hợp được phép theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; bắt đầu thực hiện từ 18 giờ ngày 31/7/2021.
Sau khi có Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Chỉ thị 05 về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Theo đó, kể từ 18h ngày 31/7/2021 cho đến khi có thông báo mới, TP. Đà Nẵng thực hiện cách ly toàn xã hội trên phạm vi toàn thành phố theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; tổ dân phố cách ly với tổ dân phố; thôn cách ly với thôn, xã, phường cách ly với xã, phường, quận, huyện cách ly với quận, huyện.
UBND TP. Đà Nẵng triển khai việc cấp Giấy đi đường, phát phiếu đi chợ, yêu cầu mọi người dân không được ra khỏi nhà, trừ các trường đặc biệt. Sau nửa tháng thực hiện cách ly xã hội trên phạm vi toàn thành phố mạnh hơn Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nhưng số ca mắc Covid-19 không giảm, từ 8h ngày 16/8 đến 8h ngày 5/9, toàn thành phố thực hiện biện pháp mạnh hơn theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
Thành phố chỉ cấp Thẻ công vụ cho những lực lượng thực thi công vụ đặc biệt mới được phép ra đường. Việc thực hiện nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó” kéo dài 20 ngày. Trong thời gian này, thành phố thực hiện những biện pháp chưa có tiền lệ, vừa làm, vừa điều chỉnh, rút kinh nghiệm. Sau này, nhiều địa phương tìm hiểu, tham khảo cách làm của Đà Nẵng và thực hiện nghiêm nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
TS.BS Phạm Quang Thái, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đánh giá Đà Nẵng là địa phương thực hiện giãn cách xã hội đúng thời điểm và đúng hướng: "Tôi nghĩ rằng những quyết định ban đầu của Đà Nẵng đưa ra là cực kỳ đúng thời điểm. Tức là đóng sớm, đóng chặt và đóng cứng để kết thúc sớm. Nếu như làm được điều này thì chúng ta ngắt toàn bộ chuỗi lây truyền để trong thời gian đó, chúng ta có điều kiện thực hiện các biện pháp làm sạch cộng đồng thì dịch sẽ nhanh kết thúc. Điều này, nếu như tất cả các địa phương cùng làm sẽ tốt hơn. Tuy nhiên, không phải nơi nào cũng thuận lợi như Đà Nẵng về cách thức triển khai, về đồng bộ hệ thống".
Trong 20 ngày thực hiện quy định “ai ở đâu thì ở đó”, Đà Nẵng tập trung tầm soát, sàng lọc và phát hiện 2.400 ca mắc Covid-19 tại 55/56 xã, phường, chiếm hơn một nửa số ca mắc trong đợt dịch này. Qua nhiều lần xét nghiệm toàn dân, thành phố đã kịp thời đưa F0 ra ngoài cộng đồng, xử lý được nguồn lây. Việc sớm thực hiện các biện pháp quyết liệt đã giúp Đà Nẵng kiềm chế được lây lan của các trường hợp dương tính với SAS-CoV-2, không để lây nhiễm sâu trong cộng đồng. Nhờ phát hiện sớm các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng giúp ngành Y tế kịp thời can thiệp, điều trị hiệu quả, giảm tỷ lệ tử vong ở mức rất thấp (0,9%). Mặt khác, việc giãn cách xã hội triệt để 20 ngày cũng là “thời gian vàng” để thành phố tăng tốc tiêm vaccine phòng Covid-19 cho toàn dân.
Trong thời gian vừa qua, tại thành phố Đà Nẵng, công tác xét nghiệm diễn ra khẩn trương, tốc độ xét nghiệm RT-PCR đạt hơn 140.000 lượt người/ngày. Đến nay, Đà Nẵng đã thực hiện 8 đợt xét nghiệm toàn dân để tầm soát dịch.
Sau 20 ngày “ai ở đâu thì ở đó” và từng bước ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ngày 6/9 thành phố Đà Nẵng mở lại một số hoạt động thiết yếu nhưng hạn chế số người đi lại bằng việc cấp giấy đi đường với hình thức trực tuyến bằng mã QR, tạo thuận lợi trong việc cấp giấy đi đường cho người dân, doanh nghiệp, không còn cảnh xếp hàng chờ đợi xác nhận, tập trung đông người tại trụ sở các phường/xã, quận/huyện. Việc Đà Nẵng thay đổi cách cấp giấy đi đường từ thủ công sang mã QR như là điểm sáng về thích ứng an toàn với công tác phòng chống dịch.
Việc cấp giấy đi đường bằng mã QR của thành phố Đà Nẵng được Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đánh giá cao. Không chỉ sáng tạo trong cấp giấy đi đường bằng mã QR, Đà Nẵng cũng đã phát huy khá tốt hạ tầng công nghệ thông tin để áp dụng sâu rộng trong công tác phòng, chống dịch. Ngay cả việc kiểm soát người giao lưu tiếp xúc nhiều tại các khu chung cư, kiệt hẻm bằng flycam, camera di động cũng được Đà Nẵng triển khai đầu tiên, sau đó nhiều địa phương học tập cách làm này.
Ông Trần Quốc Tuấn, ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng đánh giá cao việc ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị, địa phương, hạn chế lây lan dịch bệnh trong cộng đồng: “Tôi thấy thành phố Đà Nẵng làm rất tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch bệnh. Từ việc khai báo y tế điện tử, kiểm soát người lưu thông qua QR code, đến việc truy vết, xét nghiệm, tra cứu bản đồ dịch tễ. Tất cả tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp".
Đợt chống dịch lần này, thành phố Đà Nẵng đã kêu gọi và huy động được các tầng lớp nhân dân chung tay chống dịch. Đà Nẵng từng là địa phương đi đầu trong những chủ trương, chính sách sáng tạo, mang tính “xé rào”, linh hoạt phát triển kinh tế xã hội được cả nước biết đến. Những chính sách đó góp phần tạo nên một thành phố Đà Nẵng hiện đại như hôm nay./.