Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam là 2 địa phương có lượng công dân, người lao động qua lại làm việc hàng ngày rất đông. Trong ngày đầu tiên thực hiện nới lỏng, từ sáng sớm tại các chốt kiểm soát dịch cửa ngõ giáp ranh giữa 2 địa phương, lượng người chờ làm thủ tục rất đông.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam làm nghề xây dựng tại thành phố Đà Nẵng. Khi dịch bùng phát ở thành phố Đà Nẵng, ông phải về quê Quảng Nam ở nhà hơn 2 tháng nay, bây giờ Đà Nẵng nới lỏng giãn cách, ông rất nóng lòng được quay trở vào thành phố làm việc.
“Thất nghiệp hơn 2 tháng này rồi giờ mới quan lại đây. Tôi phải đăng ký qua mạng trên điện thoại và đi xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, không có giấy tờ gì hết”, ông Tuấn nói.
Theo quy định của UBND thành phố Đà Nẵng, công dân vào thành phố phải đảm bảo điều kiện là ở “vùng xanh”, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2 trong vòng 72 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm. Trước khi vào thành phố Đà Nẵng, công dân thực hiện đăng ký trực tuyến để được cấp mã QR vào thành phố. Mã QR này thay thế cho khai báo y tế khi vào thành phố.
Trường hợp tổ chức có nhiều người đi vào thành phố Đà Nẵng thì mỗi thành viên phải đăng ký để có mã QR. Tại các chốt cửa ngõ giáp ranh giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trên Quốc lộ 1A, các chốt giáp ranh giữa quận Ngũ Hành Sơn với thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nhiều phương tiện xếp hàng cả 3 làn đường dài hàng trăm mét, nhiều người chờ cả tiếng đồng hồ mới qua được chốt. Không ít trường hợp buộc phải quay trở về lại địa phương vì không đủ điều kiện vào thành phố.
Trung tá Nguyễn Duy Hoang, Phó trạm Trưởng Trạm CSGT cửa ô Hòa Hải, Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, lực lượng trực chốt đang cố gắng giúp công dân ra vào thành phố an toàn: “Lượng người hôm nay đi rất đông. Do một số người dân chưa hiểu, chúng tôi mất rất nhiều thời gian để giải thích nên gây ra ùn ứ tại chốt. Đang đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch tăng thêm quân số để giải quyết thủ tục qua chốt, tránh ùn ứ”.
Hiện nay, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng cơ bản kiểm soát tốt. Tỉnh Quảng Nam đã trải qua 7 ngày không phát sinh ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Tỉnh này cũng đã xây dựng kế hoạch, tạo thuận lợi việc đi lại, giao thương giữa Quảng Nam và Đà Nẵng.
Theo ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam, hiện, tỷ lệ người dân trong tỉnh được tiêm vaccine còn thấp, nguy cơ lây nhiễm còn cao, việc mở cửa đi lại bình thường giữa các địa phương phải được kiểm soát chặt chẽ, an toàn.
“Chúng tôi đang bàn với Đà Nẵng làm sao để hai địa phương vừa kiểm soát được dịch bệnh, vừa đảm bảo nhân dân được đi lại, giao thương với nhau. Mở cửa nhưng theo hướng từng bước. Làm sao phải kiểm soát dịch bệnh an toàn thì mới thực sự mở cửa”, ông Phan Việt Cường cho biết.
Từ hôm nay, nhiều địa phương ở các tỉnh miền Trung đã điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch, tạo điều kiện cho công dân đi lại giữa các địa phương. Tỉnh Bình Định đã có Chỉ thị hỏa tốc về chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 từ áp dụng Chỉ thị 15 sang áp dụng Chỉ thị số 19 trên phạm vi toàn tỉnh từ 0h hôm nay (1/10).
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Khánh Hòa có công văn hướng dẫn tạm thời áp dụng biện pháp phòng, chống dịch đối với người về từ các tỉnh, thành phố phía Nam về tỉnh Khánh Hòa. Theo đó, những người này phải khai báo y tế với trạm y tế địa phương, có đơn xin cách ly y tế tại nhà nếu nhà đủ điều kiện theo quy định hoặc cách ly y tế tập trung theo diện tự trả phí. Đối với người có “thẻ xanh”, đã tiêm 2 mũi vaccine phòng Covid-19 đủ 14 ngày, có test nhanh kháng nguyên hoặc PCR âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ thì người đó cách ly y tế tại nhà 7 ngày hoặc cách ly y tế tập trung 7 ngày.
Đối với những người tiêm chưa đủ liều vaccine hoặc đã tiêm 2 mũi vaccine nhưng chưa đủ 14 ngày thì thực hiện cách ly y tế tại nhà 14 ngày, khi có sử dụng vòng đeo tay thông minh hoặc cách ly y tế tập trung 14 ngày nếu không sử dụng vòng đeo tay thông minh. Đối với những người chưa tiêm vaccine thực hiện cách ly y tế tập trung 14 ngày.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Chúng tôi đề nghị những người từ vùng khác các cơ quan y tế của tỉnh có kiểm soát. Nếu đi du lịch thì mình tổ chức du lịch khép kín, nếu về thăm người thân thì được các cơ quan y tế của các địa phương quản lý, theo dõi, kiểm soát”./.