Chiều 14/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến Dự án Luật Hải quan (sửa đổi). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên họp. 

Tại phiên họp, các đại biểu chỉ rõ tình hình buôn lậu qua biên giới thời gian qua rất phức tạp. Chỉ từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý hơn 228.000 vụ vi phạm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, thu được trên 23.336 tỷ đồng. Công tác chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, các đại biểu đều cơ bản tán thành với việc tạo điều kiện tốt nhất để lực lượng Hải quan hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu và vận chuyển hàng hóa qua biên giới.

Một số ý kiến cho rằng, cần có những quy định tăng cường quyền hạn, chức năng cho lực lượng Hải quan, nhất là việc dừng phương tiện và bắt giữ người vi phạm. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện nêu ý kiến: “Việc quy định thẩm quyền hải quan và công chức hải quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chống vận chuyển hàng hóa buôn lậu cần xuất phát từ vai trò đặc biệt trong chống buôn lậu và vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Quan điểm chung là phải nâng tầm vai trò, trách nhiệm của hải quan lên một bước nữa. Do đó, tôi đề nghị thay đổi cách viết trong Điều 92 để có thể trao quyền bắt giữ cho lực lượng chống buôn lậu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ”.

Các đại biểu cũng cho rằng, việc phòng chống buôn lậu và vận chuyển hàng hóa qua biên giới cần có sự phối hợp của các cơ quan liên ngành, cũng như quy định rõ cơ quan Hải quan là đơn vị chủ trì phối hợp. Bên cạnh đó, dự án luật cần có quy định cụ thể trong việc thu thập thông tin của cơ quan Hải quan và đảm bảo Hải quan một cửa.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển kiến nghị: “Trong nội dung này cần có quy định về sự phối hợp. Ví dụ như cơ quan chất lượng, an toàn thực phẩm… cùng có trách nhiệm chung. Trong đó cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm chủ trì cùng phối phối hợp. Làm được như vậy mới thực hiện được vấn đề Hải quan một cửa”.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định, việc sửa đổi Luật Hải quan theo hướng khắc phục bất cập của luật hiện hành, trong đó xác định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan. Lực lượng Hải quan có thể áp dụng các biện pháp nghiệp vụ Hải quan quy định tại luật này để tạm giữ phương tiện, người nhằm chủ động phòng chống việc vận chuyển hàng hóa qua biên giới. Trong đó quy định rõ tạm giữ bao lâu, lý do tạm giữ và trách nhiệm của người tạm giữ./.