Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương cũng nêu lên một số thông tin cần bổ sung nhằm mang tính khả thi cao cho đề án. Trong đó yêu cầu đề án cần nêu một cách cụ thể những lợi thế cạnh tranh mang tính so sánh của Phú Quốc nổi trội hơn so với các vùng, miền trong cả nước và khu vực.
Cụ thể như lợi thế về tiềm năng kinh tế biển, đảo; môi trường an ninh ổn định, cảnh quan thiên nhiên cũng ưu đãi cho Phú Quốc; những thế mạnh về hạ tầng kỹ thuật như giao thông, sân bay, cảng biển, điện cáp ngầm, nước sinh hoạt mà Phú Quốc được đầu tư.
Trong dự thảo phần kiến nghị của đề án nên đề cập đủ mức đột phá về cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc, cần phải có một đạo luật dành riêng cho đặc khu kinh tế để áp dụng cho những cơ chế chính sách đặc thù có tính cạnh tranh cao hơn so với địa phương khác. Đó là chính sách thu hút nhà đầu tư, công nghệ thông tin, đào tạo nghề, thu hút nhân tài, quản lý người nhập cư và trong lĩnh vực quản lý đất đai, nên tăng thẩm quyền rộng hơn cho cấp ủy, chính quyền đặc khu kinh tế Phú Quốc kết hợp với cơ chế giám sát chặt chẽ.
Ông Lê Vĩnh Tân- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương nhấn mạnh một số vấn đề trọng tâm mà Kiên Giang cần tập trung trong thời gian tới: “Trong kế hoạch chung phát triển Phú Quốc đã được phê duyệt nhưng cố gắng giữ được môi trường, đô thị hóa vừa phải mới còn rừng thiên nhiên. Vấn đề nguồn nhân lực cho đặc khu mới phải tính toán ngay từ bây giờ. Dù có đặc khu hay không thì nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực để phục vụ cho Phú Quốc phát triển vẫn phải coi trọng thường xuyên”.
Đặc khu kinh tế là một mô hình có tính cạnh tranh hội nhập quốc tế rất cao và rất mới ở Việt Nam, nó phát huy lợi thế của từng vùng, địa phương để phát triển kinh tế vững chắc. Ban Kinh tế Trung ương cũng yêu cầu Tỉnh Kiên Giang tiếp tục điều chỉnh bổ sung hoàn thiện đề án để Ban Kinh tế Trung ương trình Ban cán sự Đảng, Chính phủ để Bộ Chính trị sớm cho chủ trương thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc, nhằm tạo đà cho Phú Quốc phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế sớm trở thành khu kinh tế năng động đầu tàu trong cả nước.
Đặc khu kinh tế Phú Quốc sẽ được tổ chức theo mô hình Chính quyền đô thị hai cấp hành chính đó là cấp đặc khu và cấp phường không tổ chức HĐND, có quy định cụ thể về chức năng , quyền hạn của cấp ủy, chính quyền đặc khu đồng thời hợp nhất một số phòng, ban theo hướng tinh gọn. Trong năm 2014 là giai đoạn khởi động xây dựng và hoàn thiện các thể chế văn bản pháp luật; xúc tiến đầu tư cơ sở hạ tầng trên đảo. Sau 2015 là giai đoạn tăng tốc hoàn thiện cơ sở hạ tầng thu hút đầu tư phát triển đồng bộ các dịch vụ vui chơi, giải trí, tài chính, ngân hàng, đào tạo nguồn nhân lực./.