Chống tham nhũng tận gốc là khi bắt được tham nhũng phải thu hồi được tài sản tham nhũng. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thời gian qua còn rất thấp. 

Trả lời phóng viên VOV.VN, ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - vị đại biểu thường có những phát biểu thẳng thắn, mạnh mẽ về vấn đề tham nhũng trên Nghị trường, cho rằng một trong những nguyên nhân là việc kê khai tài sản còn rất hình thức.

PV: Có ý kiến cho rằng bắt được đối tượng tham nhũng mà không thu được tài sản về cho nhà nước thì coi như thất bại. Quan điểm của ông thế nào?

Ông Lê Như Tiến: Hiện nay, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng với những vụ cao nhất được 20%, còn phần lớn là hơn 10%. Kết quả này rõ ràng quá ít.

Đối tượng tham nhũng lợi dụng chức vụ quyền hạn để vơ vét tài sản của nhà nước, của nhân dân mà tài sản ấy lại không thu hồi được thì mục tiêu và đích đến của chống tham nhũng là chưa đạt.

Chúng ta nghiêm khắc trừng trị đối tượng tham nhũng trước pháp luật nhưng không chỉ có đưa người đó vào tù là đủ mà cái chính là thu hồi được tài sản tham nhũng.

le_nhu_tien_dai_bieu_quoc_hoi_rjdy.jpg
Ông Lê Như Tiến - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội

PV: Thu hồi tài sản tham nhũng là điều rất quan trọng nhưng kết quả trong một thời gian dài còn rất hạn chế. Theo ông, đâu là nguyên nhân cốt lõi của vấn đề này?

Ông Lê Như Tiến: Muốn thu hồi được tham nhũng thì phải biết, kiểm soát được tài sản của người tham nhũng, do tham nhũng mà có. Nếu không biết được hướng đi và dòng chảy của đồng tiền tham nhũng ở đâu thì khó thu hồi được. Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thu hồi tài sản còn thấp chính là ở điểm này.

Đối tượng tham nhũng có nhiều phương thức tinh vi, biến hóa khôn lường để chuyển tài sản tham nhũng cho người thân trong gia đình. Tức tài sản tham nhũng được chuyển dịch, chuyển tên cho người khác. Ta đã thấy có vị tham nhũng rồi chuyển đất đai, biệt thự cho con. Con vừa trưởng thành thì làm sao có khối tài sản lớn như thế được?

Đó là chưa nói đến việc đối tượng gửi tiền ở những nhà băng ở nước ngoài. Điều này cần phải nghiên cứu để kiểm soát.

PV: Việc cơ quan thi hành án vừa trả lại đơn yêu cầu thi hành án số tiền hơn 1.000 tỷ đồng trong vụ án xảy ra tại Vinashin do không còn điều kiện thi hành án là ví dụ cho thấy không kiểm soát được “hướng đi” của tài sản?

Ông Lê Như Tiến: Chúng ta không kiểm soát được tài sản của họ trước khi thi hành án nên tài sản đã bị tẩu tán, chuyển dịch đứng tên cho rất nhiều người khác nên về mặt phá lý thì không phải tài sản của người tham nhũng.

Muốn biết được phải yêu cầu người thân của họ chứng minh nguồn gốc tài sản để biết có phải là tài sản tẩu tán hay không.

Như vụ Giang Kim Đạt (nguyên trưởng phòng thuộc một công ty của Tập đoàn Vinashin tham nhũng đến gần 19 triệu USD và tẩu tán nhiều tài sản ra nước ngoài, vừa bị bắt-PV) có 40 căn biệt thự, căn hộ cao cấp trên khắp cả nước và đều đứng tên người thân, mua nhà ở Singapore trị giá 3,6 triệu USD, có những tài khoản gửi tiền từ nước ngoài về Việt Nam cho người thân. Chúng ta biết được “đường đi” của tài sản tham nhũng thì mới thu hồi được. Nếu không làm sao biết để phong tỏa mà thu hồi. Đó là gốc rễ của vấn đề.

PV:Vừa qua cả triệu người kê khai tài sản nhưng chỉ có 4 trường hợp kê khai không trung thực. Ông suy nghĩ gì về con số này?

Ông Lê Như Tiến: Vì chúng ta chưa kiểm soát được tài sản nên chưa biết được ai kê khai trung thực hay không trung thực. Tôi cho rằng con số thực tế còn cao hơn rất nhiều.

PV:Điều đó cho thấy kẽ hở trong việc kê khai tài sản của cán bộ?Theo ông, làm thế nào để “bịt” kẽ hở này?

Ông Lê Như Tiến: Đúng là như vậy vì kê khai tài sản còn rất hình thức. Thứ nhất là không kê khai thường xuyên mà dịp đại hội, bầu cử đại biểu… mới rộ lên kê khai.

Thứ hai là kê khai xong rồi lại cũng không công khai, minh bạch mà để lại trong ngăn tủ của người giữ hồ sơ thì cũng không có tác dụng gì. Phải công khai minh bạch ở một diện rộng hơn như ở nơi công tác và nơi cư trú của người kê khai.

Đặc biệt với những người có dấu hiệu giàu lên bất thường phải có tai mắt của nhân dân phát hiện. Ô tô, biệt thự không phải là cây kim, sợi chỉ mà người dân không biết được.

Muốn thế phải có có cơ chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng vì hiện nay đôi khi người tố cáo lại trở thành nạn nhân của kẻ tham nhũng, bị trả thù, dằn mặt. Rất nhiều vấn đề đặt ra, trong đó cả trách nhiệm người đứng đầu.

Cơ quan có trách nhiệm hàng năm phải kiểm soát được tài sản, giá trị gia tăng tài sản của người đó. Bỗng dưng tài sản gia tăng đột ngột, có rất nhiều nhà, nhiều xe, nhiều tài khoản khác nhau thì đó là điều không bình thường với một cán bộ công chức. Mình phải kiểm soát được.

Chúng ta có cả cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan điều tra rất hùng hậu mà không kiểm soát được thì đó chính là lỗ hổng cho tài sản tham nhũng được tẩu tán, không thu hồi được.

PV: Theo ông, liệu vấn đề có phải ở chỗ chúng ta thiếu cơ chế, công cụ kiểm soát hay cơ quan chức năng liên quan chưa làm hết trách nhiệm của mình?

Ông Lê Như Tiến: Tôi cho rằng cả hai. Quy định về kiểm soát tài sản tham nhũng phải cụ thể hơn và cần cả sự tinh thông, trách nhiệm đến cùng của cơ quan bảo vệ pháp luật.

PV: Xin cảm ơn ông!./.