Phát hiện và xử lý tham nhũng, trong đó có vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng là khâu yếu nhất trong nỗ lực chống tham nhũng, gây nhiều bức xúc cho xã hội. Đây là một trong những nhận định được đưa ra tại hội thảo hoàn thiện và công bố kết quả khảo sát đánh giá về Quy định và việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa, thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng. 

Hội thảo do Thanh tra Chính phủ phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc tổ chức sáng 29/7 tại Hà Nội.

tham_nhung_lxyj.jpg
Hội thảo hoàn thiện và công bố kết quả khảo sát về tham nhũng

Hoạt động nghiên cứu khảo sát được Viện Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ phối hợp với chuyên gia tư vấn tiến hành các hoạt động nghiên cứu trong 5 tháng; thực hiện các cuộc tọa đàm, khảo sát thực địa tại 5 địa phương, 8 bộ, ngành, gửi phiếu hỏi đến 16 bộ ngành và một số sở ngành của 58 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Qua nghiên cứu khảo sát các biện pháp phòng ngừa tham nhũng và thu hồi tài sản tham nhũng theo yêu cầu Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tham nhũng cho thấy, các quy định của pháp luật Việt Nam về phòng ngừa tham nhũng khá đầy đủ, cụ thể, việc triển khai thực hiện các quy định của pháp luật đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm của Việt Nam thực hiện nghiêm túc.

Tuy nhiên có một khoảng cách khá xa giữa việc thực hiện các quy định với hiệu quả thu được trong thực tế công tác phòng chống tham nhũng. 

Qua khảo sát, ý kiến người dân cho biết, tại địa phương, nơi cư trú của họ đều có các hiện tượng như: Cán bộ chính quyền dùng tiền, tài sản công vào mục đích riêng. Người dân phải chi thêm tiền để được làm thủ tục xây dựng nhà, mua bán nhà đất; để được quan tâm hơn khi khám, chữa bệnh tại bệnh viện công lập; để xin cho con vào học các trường công lập hoặc lớp chọn…

Trong việc thực hiện quy định về kê khai tài sản, thu nhập, mặc dù 81% công chức, viên chức được hỏi đánh giá tích cực nhưng chỉ nhận được sự đồng tình của 35,6% người dân khi nhìn nhận về vấn đề này.

Điểm đáng chú ý là, hầu hết các vấn đề được khảo sát thì ý kiến và cảm nhận của cán bộ, công chức thường tỏ ra lạc quan hơn ý kiến của người dân. Vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng giành được sự quan tâm đặc biệt của tất cả mọi người. Phát hiện và xử lý tham nhũng, trong đó có vấn đề thu hồi tài sản tham nhũng là khâu yếu nhất, gây nhiều bức xúc cho xã hội.

Vướng mắc chủ yếu được chỉ ra là do quy định của pháp luật, trách nhiệm chứng minh nguồn gốc tài sản và khả năng kiểm soát tài sản, thu thập trên bình diện toàn xã hội còn yếu.

Ông Đinh Văn Minh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học thanh tra cho biết: “Hiện nay việc thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp, có năm thu hồi được 11%, có năm được 20% nhưng đó là thu hồi tài sản của người có hành vi tham nhũng. Chúng ta mới chỉ tiến hành thu hồi tài sản thông qua bản án hình sự. Cần phải có biện pháp để kê khai, kê biên tài sản chứ không thể đợi đến khi bản án hình sự có hiệu lực khi đó tài sản tham nhũng đã được tẩu tán hết chẳng còn gì”./.