Xác định điều động, luân chuyển cán bộ là chủ trương quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng, góp phần xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ có năng lực, chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ của địa phương, những năm qua, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt với những cách làm phù hợp nên công tác luân chuyển cán bộ đã phát huy hiệu quả tích cực; đội ngũ cán bộ được luân chuyển từng bước trưởng thành, thông qua sự rèn luyện, thử thách ở từng vị trí, thể hiện được năng lực, sở trường, từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Tháng 11/2018, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Quảng Ninh, Phạm Xuân Đài được điều động về giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện miền núi, biên giới Hải Hà. Đến tháng 2/2020 ông được Ban chấp hành đảng bộ huyện tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy Hải Hà.

Với vốn kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm công tác ở Sở Kế hoạch đầu tư, ngay khi về Hải Hà ông Phạm Xuân Đài đã cùng tập thể lãnh đạo huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Nhiệm vụ trọng tâm khác cũng được Bí thư Phạm Xuân Đài ưu tiên chỉ đạo giải quyết, là việc đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng. Với vai trò người đứng đầu cấp ủy, rất nhiều lần ông trực tiếp xuống cơ sở đối thoại, vận động các hộ bàn giao mặt bằng. Nhờ vậy, nhiều dự án trọng điểm của tỉnh Quảng Ninh và huyện Hải Hà như; Cao tốc Vân Đồn- Móng Cái, Khu Công nghiệp TexHong, Khu nhà ở xã hội… sớm có mặt bằng sạch giao cho nhà đầu tư triển khai thực hiện.

Theo Bí thư Huyện ủy Hải Hà thì về huyện công tác là môi trường thuận lợi để ông rèn luyện bản thân, để có nơi áp dụng những kiến thức chuyên môn, kỹ năng trong giải quyết công việc áp dụng vào thực tế. Bởi, thực tiễn tại địa phương đặt ra cho công tác của người quản lý rất nhiều nội dung cần rèn luyện.

“Qua mỗi buổi tiếp xúc, thấy người dân Hải Hà mong muốn, khát vọng xây dựng huyện ngày càng phát triển. Với tiềm năng như vậy nhưng nhiều năm qua các tiềm năng, lợi thế của Hải Hà chưa được đánh thức. Tôi cùng với anh em cán bộ lãnh đạo huyện gặp gỡ, tiếp xúc các nhà đầu tư, thường xuyên báo cáo lãnh đạo tỉnh để có sự giúp đỡ. Trên cơ sở đó tỉnh cũng hỗ trợ tạo điều kiện. Tích cực tìm tòi thu hút các nhà đầu tư về với huyện Hải Hà để xây dựng quê hương ngày càng phát triển”- Bí thư huyện Hải Hà chia sẻ.

Nhận nhiệm vụ mới do Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh giao vào tháng 2/2019, Chánh thanh tra tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Ánh về làm Bí thư Thành ủy Móng Cái. Việc đầu tiên, ông quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo là tổ chức, kiện toàn, sắp xếp, tổ chức lại các phòng, ban chuyên môn có chức năng, nhiệm vụ tương đồng của thành phố.

Đồng thời rà soát, bổ sung quy chế làm việc, khắc phục những việc còn tồn đọng và bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường của lãnh đạo một số phòng, ban chuyên môn. Nhờ việc sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã góp phần xây dựng thành phố Móng Cái phát triển nhanh và hiện đại.

Theo Bí thư Thành ủy Móng Cái Lê Văn Ánh, được luân chuyển về giữ cương vị người đứng đầu cấp ủy thành phố Móng Cái, ông đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong công tác, đồng thời nâng cao bản lĩnh, kỹ năng lãnh đạo. Ông Ánh cho rằng, khi giữ chức vụ cũ là Chánh Thanh tra tỉnh là cơ quan tham mưu có tính chất chuyên môn, chuyên ngành cho cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND. Mặc dù lĩnh vực thanh tra được va chạm với nhiều lĩnh vực, tuy nhiên, đó vẫn góc độ tham mưu theo lĩnh vực, theo ngành.

Khi được về địa phương, nhất là Móng Cái, thành phố địa đầu Tổ quốc, có vị trí đặc biệt về quốc phòng, an ninh đối ngoại, ông Ánh cho rằng, mình có điều kiện được tiếp cận được học hỏi và được làm việc trong một môi trường với nhiều lĩnh vực với nhiều vấn đề tổng thể hơn và từ công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị đến công tác lãnh đạo chỉ đạo về phát triển kinh tế xã hội rồi là công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh. Nhất là Móng Cái là địa đầu biên giới thì có hoạt động đối ngoại với phía Trung Quốc.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã luân chuyển, điều động hơn 3.300 lượt cán bộ, trong đó có 117 trường hợp cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Vượt qua những khó khăn ban đầu, qua rèn luyện thực tiễn, hầu hết các cán bộ luân chuyển đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ, đóng góp công sức, trí tuệ cho các địa phương.

Đặc biệt trong nhiệm kỳ qua, tỉnh Quảng Ninh đã luân chuyển một số cán bộ trẻ không phải là người địa phương từ cấp tỉnh về giữ một số vị trí chủ chốt ở cấp huyện. Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Ninh Hoàng Bá Hướng cho biết, hiện nay sau sắp xếp, luân chuyển, Quảng Ninh đang thực hiện 100% bí thư cấp huyện và 85% bí thư cấp xã không là người địa phương. Trong đó nhiều đồng chí là cán bộ trẻ từ cấp tỉnh được luân chuyển về giữ một số vị trí chủ chốt ở cấp huyện.

Theo ông Hướng, có thể thấy, công tác luân chuyển thời gian qua, nhất là việc thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ kết hợp chặt chẽ với bố trí một số chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp huyện, cấp xã không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp đã khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong từng ngành, từng địa phương, đơn vị; tránh được tình trạng “một người làm quan, cả họ được nhờ”, quan hệ thân quen, chống chạy chức, chạy quyền; tránh được bè phái, tham nhũng đối với cán bộ làm việc ở những vị trí, ngành nghề, địa bàn mang tính nhạy cảm.

Thực tiễn tại Quảng Ninh cho thấy, việc luân chuyển cán bộ luôn phải bảo đảm tiêu chí tổng thể, đồng bộ, liên thông giúp tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu và cục bộ. Việc luân chuyển không chỉ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác trước mắt mà coi trọng cả mục đích rèn luyện cán bộ, chuẩn bị đội ngũ cán bộ kế cận.

Chính vì vậy, đơn cử trong năm 2018 và 2019, chỉ tính cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý đã có 78 người nghỉ công tác, trong đó có cả các lãnh đạo chủ chốt, song Quảng Ninh không bị rơi vào tình trạng thiếu hụt đội ngũ kế cận mà đảm bảo có sẵn nguồn cán bộ kịp thời đưa vào vị trí nhân sự thay thế, đảm bảo sự chuyển giao ổn định, kế thừa và phát triển giữa các thế hệ lãnh đạo quản lý các cấp./.