Đại hội XIII của Đảng là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Các đại biểu về dự Đại hội đều phấn khởi, vui mừng trước không khí Đại hội, công tác tổ chức nghiêm túc, trang trọng. Quá trình chuẩn bị hết sức chu đáo, từ công tác khánh tiết, an ninh, hậu cần đến việc chuẩn bị nội dung, đặc biệt là công tác cán bộ, công tác nhân sự.
Xây dựng Đảng dựa vào dân
Các đại biểu khẳng định, Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục bổ sung và quan tâm hơn với công tác cán bộ, xem công tác cán bộ là gốc. Đặc biệt, công tác cán bộ đã được xác định là “then chốt của then chốt”. Trong công tác bộ, Đại hội lần này đề cập rất nhiều nội dung, trong đó đi sâu và tập trung vào xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ được giao. Đội ngũ cán bộ đó phải đương đầu với nhiệm vụ, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, vì lợi ích chung của nhân dân; phải gương mẫu và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí để góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Theo đại biểu Bùi Văn Nghiêm, đoàn Vĩnh Long, quá trình xây dựng các chủ trương đường lối của Đảng luôn nhận được sự quan tâm, góp ý của người dân. Người dân sẽ theo dõi hoạt động của tổ chức Đảng, cũng như giám sát chặt chẽ các Đảng viên khi thực thi các nhiệm vụ ở từng cấp, từng ngành.
“Dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng có nội dung xây dựng Đảng dựa vào nhân dân. Theo đó, xây dựng Đảng tập trung và làm tốt công tác xây dựng Đảng hơn. Đảng ta xác định cán bộ là gốc của công việc. Công việc có tốt hay không là do cán bộ”, đại biểu Bùi Văn Nghiêm nhấn mạnh.
Các đại biểu bày tỏ ấn tượng với Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày. Đại biểu Dương Đức Huy, Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Lào Cai cho biết, Báo cáo chính trị của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cô đọng và súc tích. Lần đầu tiên, từ thực tiễn, báo cáo không kể lể và có tính khái quát cao những thành tích đạt được trong nhiệm kỳ qua và trong 35 năm đổi mới của đất nước. Đặc biệt, tất cả các đảng viên tham dự Đại hội đều đánh giá cao 5 bài học kinh nghiệm được trình bày trong báo cáo.
“Đại hội cũng đã dự thảo trong Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước trình bày, với 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 giải pháp. Các nhiệm vụ trọng tâm đều rất căn cơ, trong đó nhấn mạnh công tác xây dựng Đảng và củng cố hệ thống chính trị, kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin. Đồng thời trong quá trình thực tiễn phải đổi mới để đáp ứng thời cuộc và xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời kỳ tới. Đây là điều nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào Đại hội này khi thảo luận và đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm, với hy vọng đất nước ta đến năm 2045 sẽ trở thành đất nước phát triển có thu nhập cao”, đại biểu Dương Đức Huy khẳng định.
Các đại biểu cho biết, Báo cáo chính trị xác định rõ thời cơ cũng như nhận diện những thách thức mà đất nước phải đối mặt trong thời gian tới. Thách thức đang hiện hữu và cũng như được dự đoán trong tương lai, bởi vì mỗi một giai đoạn đều có thời cơ và thách thức riêng, đặc biệt trong bối cảnh an ninh khu vực và trên thế giới diễn biến phức tạp, trong bối cảnh kỷ nguyên số 4.0. Từ đó, chúng ta có giải pháp và có nhiệm vụ trọng tâm để chủ động, không bị bất ngờ trước mọi tình huống.
“Với tinh thần trách nhiệm cao nhất, tôi và các đại biểu sẽ thảo luận chi tiết, làm rõ các chủ trương lớn để khi về địa phương áp dụng. Mỗi một địa phương phát triển sẽ góp phần phát triển đất nước phồn vinh. Chúng ta đang theo đuổi nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN. Đây là một trong những lĩnh vực đang rất được quan tâm. Theo đó, trong Báo cáo chính trị nêu rất rõ việc phát triển mối quan hệ hài hòa giữa Nhà nước và doanh nghiệp, cũng như với nhân dân. Từ đó, định hướng cho các doanh nghiệp, để phát triển doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các thành phần kinh tế khác, để đảm bảo hài hòa giữa Nhà nước với doanh nghiệp và với nhân dân. Chúng ta sẽ có những đổi mới về thể chế làm sao đáp ứng được nền kinh tế thị trường, định hướng XHCN”, ông Dương Đức Huy nói.
Đại hội thành công, mỗi đại biểu cần phát huy trách nhiệm của mình
Bày tỏ thống nhất rất cao với 5 quan điểm chỉ đạo tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng và 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, các đại biểu tin tưởng và hy vọng với sự đoàn kết, thống nhất của toàn Đảng, với sự nỗ lực của mỗi cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 - kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng - là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước - Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao...
Đại biểu Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa cho biết, tỉnh Thanh Hóa quyết tâm đến năm 2025 trở thành tỉnh trong nhóm dẫn đầu cả nước; đến năm 2030 cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và người dân có mức sống cao hơn mức trung bình cả nước. Để làm được việc này Đảng bộ, nhân dân các dân tộc, lực lượng vũ trang Thanh Hóa đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực, hành động quyết liệt để thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng.
Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa, để Đại hội thành công, mỗi đại biểu cần phát huy trách nhiệm nhiệm của mình, đóng góp vào việc xây dựng văn kiện: “Tôi có niềm tin vững chắc rằng, chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, từ đó đất nước sẽ có bước phát triển mới, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, là lập nên những kỳ tích mới trong xây dựng và phát triển đất nước ta thời gian tới”.
Đại biểu Đỗ Việt Anh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Ninh Bình cũng cho rằng, các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được chuẩn bị một cách công phu, bài bản, khoa học và phát huy dân chủ, rộng rãi. Chính vì vậy, có thể khẳng định các văn kiện trình Đại hội, đặc biệt Báo cáo chính trị là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân ta.
Trong Báo cáo chính trị đã đánh giá tổng hợp, khái quát kết quả Đảng ta đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua cũng như 35 năm thực hiện đường lối đổi mới đất nước; chỉ ra những tồn tại, hạn chế cần tập trung khắc phục, và đặc biệt là xác định quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển trong giai đoạn tới.
“Với việc Đảng đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá chiến lược, đoàn đại biểu tỉnh Ninh Bình sẽ phân tích, đánh giá sâu để tham gia đóng góp vào Báo cáo chính trị. Trong giai đoạn tới, nước ta tiếp tục tập trung đầu tư các nguồn lực cho kết cấu hạ tầng, đặc biệt hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy để giảm áp lực đường bộ, nhưng quan trọng nữa là giảm chi phí logistic để tăng khả năng cạnh tranh cấp quốc gia đối với các nước”, ông Đỗ Việt Anh nói.
Theo các đại biểu, Đảng đã xác định phải đổi mới tư duy, xây dựng thể chế một cách đồng bộ. Đây cũng là điều mới trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về các văn kiện trình Đại hội.
Báo cáo chính trị do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày, để lại ấn tượng sâu sắc với toàn thể Đại hội, được đánh giá cao và tạo niềm tin về định hướng sắp tới của Đảng./.