Tại Khoản 2 của Điều 48 của dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có quy định về nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự. Đây là một điểm mới bổ sung nhằm bảo đảm sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Quy định mới này đã khiến nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm trong phiên thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ngày 4/6.

Đại biểu Phạm Hồng Hương (đoàn Hải Dương) cho rằng, Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành đã bộc lộ những hạn chế bất cập. Trong đó, đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ quá rộng đã gây khó khăn rất nhiều trong việc thực hiện Luật Nghĩa vụ quân sự và bảo đảm sự công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc.

db-truong-minh-hoang-phat-b.jpg
Đại biểu Trương Minh Hoàng

Mặt khác, hiện nay, nước ta chưa có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, cũng như ngân sách để tất cả các công dân nam đều có thể vào phục vụ tại ngũ trong lực lượng vũ trang nhân dân như một số nước trên thế giới đã thực hiện. Chính vì vậy, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 rất cần phải quy định nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự. Quy định này sẽ góp phần vào việc bảo đảm sự công bằng xã hội trong thực hiện nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc. Chỉ có điều ai, đối tượng nào được thực hiện nghĩa vụ thay thế và thời hạn thực hiện nghĩa vụ thay thế là bao nhiêu thì cần phải có luật quy định cụ thể sau khi Hiến pháp được thông qua.

Đóng góp thêm cho Khoản 2 của Điều 48 có quy định về nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) nêu ý kiến: Hiện nay, ngoài nghĩa vụ quân sự, nước ta còn có một lực lượng thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân. Lực lượng thực hiện nghĩa vụ công an nhân dân này về thời gian đi nhập ngũ còn dài hơn lực lượng tham gia nghĩa vụ quân sự.

Theo đại biểu Trương Minh Hoàng, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần phải thêm quy định mọi công dân phải có trách nhiệm tham gia về nghĩa vụ công an. Bởi vì, thực tế hiện nay, lực lượng công an nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ an ninh trật tự xã hội, sự bình yên của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (đoàn Hải Phòng) bổ sung ý kiến: Trong Điều 48 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, ngoài quy định về nghĩa vụ thay thế nghĩa vụ quân sự, cần quy định rõ: Mọi công dân có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự xã hội.

Công dân phải có nghĩa vụ bảo vệ Đảng, nhà nước, nhân dân, chế độ xã hội chủ nghĩa cùng với toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế. Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng, là quyền cao quý của công dân./.