Sáng 5/4, tại Hà Nội Bộ Tư pháp phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của báo cáo viên, tuyên truyền viên.
Phát biểu tại hội nghị Ủy viên Bộ Chính trị - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hội nghị do Chính phủ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức nhằm giới thiệu, phổ biến nội dung, ý nghĩa của Hiến pháp Việt Nam cho báo cáo viên, tuyên tuyền viên.
Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã chủ động tích cực trong phổ biến Hiến pháp, kịp thời chỉ đạo và tạo điều kiện cho các báo cáo viên, tuyên truyền viên trong việc phổ biến sâu rộng nội dung, nhằm đảm bảo việc thi hành Hiến pháp trong cuộc sống một cách hiệu quả.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị |
Để phát huy vai trò của các báo cáo viên, truyên truyền viên trong thực hiện thi hành hiến pháp trong toàn quốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến công việc quan trọng cần phải làm ngay, đó là: Các Bộ, ngành, địa phương cần quan tâm chỉ đạo trong việc tuyên truyền, nếu không người dân khó hiểu hết giá trị của Hiến pháp mới.
Đối với các báo cáo viên, tuyên truyền viên, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đổi mới phương pháp, cách làm: “Chúng ta có 90 triệu dân, 54 dân tộc anh em, các kiều bào ở nước ngoài… bởi vậy, việc đổi mởi phương pháp giới thiệu rất quan trọng. Chúng ta cần có cách giới thiệu cụ thể cho từng vùng, từng dân tộc, từng đối tượng, có như vậy Hiến pháp mới thực sự đi vào cuộc sống”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Viện trưởng Nghiên cứu Lập pháp Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho biết, hiện nay, việc tuyên truyền Hiến pháp được Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì xây dựng các bộ tài liệu quan trọng để tuyên truyền đến từng đối tượng. Việc tuyên truyền Hiến pháp phải giúp người nghe hiểu được mục đích, yêu cầu, quan điểm việc sử dụng Hiến pháp.
Dân trao quyền và giám sát hoạt động của Nhà nước
Nêu quan điểm, nhìn nhận về Hiến pháp mới, ông Đinh Xuân Thảo cho biết, trước tình hình trong nước có nhiều đổi mới, tình hình thế giới có nhiều chuyển biến sâu sắc, phức tạp, ngay tại Đại hội XI của Đảng đã đặt ra yêu cầu thay đổi Hiến pháp để xây dựng đất nước phát triển ổn định, đổi mới. Đổi mới kinh tế, song song với đổi mới chính trị, phát triển mạnh quốc phòng an ninh, đối ngoài quốc tế.
Toàn cảnh hội nghị |
Theo ông Đinh Xuân Thảo, việc sửa đổi Hiến pháp mới đạt 3 yêu cầu, 6 quan điểm, 9 định hướng nội dung nhưng vẫn tiếp tục khẳng định, làm rõ hơn, sâu sắc hơn, những nội dung quan trọng đã được quy định trong Hiến pháp năm 1992, đó là quyền làm chủ của nhân dân, vai trò lãnh đạo của Đảng, xây dựng một Nhà nước pháp quyền, nền kinh tế thị trường theo hướng xã hội chủ nghĩa…
“Sửa đổi không phải là thay thế, làm mới hoàn toàn Hiến pháp mà là duy trì, phát triển Hiến pháp năm 1992”, ông Đinh Xuân Thảo nhấn mạnh.
Nói về điểm mới trong bản Hiến pháp mới, ông Đinh Xuân Thảo cho biết: “Trước đây chúng ta có quan niệm thông qua Hiến pháp, Nhà nước cho dân quyền được làm gì. Tuy nhiên ở Hiến pháp mới, nhân dân là chủ thể quyền lực của Nhà nước, trao cho Nhà nước được làm gì”.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên cũng khẳng định, chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền là quản lý Nhà nước bằng pháp luật. “Yêu cầu xuyên suốt trong lập hiến, lập pháp cũng phải có ý kiến của nhân dân”, Thứ trưởng Liên nói.
Theo Thứ trưởng Liên, tư tưởng lớn nhất của Nhà nước pháp quyền là Nhà nước được làm những gì mà pháp luật cho phép và nhân dân giám sát quyền đó.
“Nhân dân, quyền làm chủ của nhân dân là tư tưởng được thể hiện rõ ngay từ lời nói đầu và xuyên suốt bản Hiến pháp mới”, Thứ trưởng Liên khẳng định./.