“Cần sớm hoàn thiện công nghệ nhà máy xử lý, tái chế rác thải do doanh nghiệp trong nước sản xuất” là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải sau khi trực tiếp thăm quan, khảo sát quy trình hoạt động, vận hành của Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công công suất 50 tấn/ngày tại thị xã Sông Công, tỉnh Thái Nguyên hôm nay (4/6).
Phát biểu với các Bộ, ngành liên quan đến Dự án Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công và lãnh đạo chính quyền địa phương, Phó Thủ tướng Chính phủ bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả khả quan của việc phát triển công nghệ xử lý rác thải do chính các doanh nghiệp trong nước sản xuất, chế tạo như ở Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công. Tuy công nghệ này đã có những thành công nhất định, được cả phía nước ngoài chấp nhận nhưng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vẫn lưu ý các Bộ, ngành chức năng cần tiếp tục đánh giá để hoàn thiện công nghệ. Các bộ, ngành khi xây dựng dự án về xử lý rác thải phải xây dựng dự án điểm, khuyến khích xã hội hoá, kêu gọi các doanh nghiệp tư nhân xây dựng các nhà máy, cơ sở xử lý rác thải... Từ thành công mô hình Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công sử dụng hoàn toàn công nghệ trong nước, các bộ, ngành chức năng cũng xem xét, hạn chế nhập khẩu công nghệ xử lý, tái chế rác thải của nước ngoài...
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, hiện nay, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh tại các đô thị trong cử nước lên tới hơn 24.000 tấn/ngày. Việc xử lý chất thải rắn ở các địa phương chủ yếu đều sử dụng chôn lấp chất thải; hiện tại mỗi đô thị từ loại IV trở lên đều có ít nhất một bãi chôn lấp nhưng có tới hơn 80% bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Do vậy, mô hình công nghệ chế biến rác thành viên nhiên liệu như ở Nhà máy xử lý và tái chế rác thải Sông Công được đánh giá là công nghệ có tính khả thi cao, cần triển khai nhân rộng. Đây là nhà máy xử lý rác thải đầu tiên trong cả nước công nghệ cơ sinh học (MBT - CD.08) do doanh nghiệp trong nước tự sản xuất, chế tạo, xử lý triệt để rác thải, tự động phân loại và thu hồi các phế thải nhằm tái chế thành sản phẩm nhiên liệu cho các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề... với tổng kinh phí đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, trong đó có một phần vốn tài trợ của Chính phủ Đan Mạch./.