Báo Nhân Dân mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp thiết thực của nhân dân về bản Dự thảo Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).
Các dân tộc Việt Nam cùng chung sống bình đẳng, đoàn kết |
Mấy ý kiến về dự thảo sửa đổi Ðiều 5, Hiến pháp năm 1992
Nhận thức về "Ðiều 5"
Ðiều 5, Hiến pháp năm 1992 là điều đề cập quan điểm, chính sách của Nhà nước, các vấn đề chung nhất đối với cộng đồng các dân tộc nước ta - những vấn đề đặt ra cơ bản nhất về mặt Lập hiến trong điều kiện của quốc gia đa dân tộc. Ðây là một Ðiều có vị trí rất đặc thù, quan trọng, có ý nghĩa nhiều mặt, liên quan đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đến sự phát triển bền vững của quốc gia. Ðây là điều liên quan trực tiếp và điều tiết mối quan hệ chính trị - xã hội của các thành phần tộc người, liên quan đến con người, có tính nhạy cảm; liên quan đến dân tộc đa số và dân tộc thiểu số. Mọi quy định trong "Ðiều 5" sẽ là định hướng để hình thành các văn bản luật liên quan đến mối quan hệ dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước trong bối cảnh tình hình mới.
Tôi cho rằng, đấy là nhận thức hiện nay cần phải có "Ðiều 5" để hình thành các "khoản, mục" của nó. Nếu nhận thức khác đi sẽ dẫn tới hình thành các nội dung không bao quát, sẽ thiếu tính điều tiết toàn diện của văn bản pháp quy cao nhất.
Về nội dung dự thảo Ðiều 5
Ðiều 5, dự thảo gồm 4 khoản:
"1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Các dân tộc bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp đỡ nhau cùng phát triển; nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết, giữ gìn bản sắc dân tộc và phát huy những phong tục, tập quán, truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình.
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để tất cả các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước."
Bốn khoản nói trên của Ðiều 5 đã thể hiện được mấy vấn đề sau:
- Khoản 1: Xác lập quyền sinh sống của các dân tộc trên lãnh thổ quốc gia - Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ðây là khoản có thứ tự đầu tiên là phù hợp, thể hiện được tính đặc thù của quốc gia đa dân tộc, phù hợp hơn so với trước đây khi khoản này đề cập đến "Nước" chứ không phải "Nhà nước...". Khoản này không chỉ có ý nghĩa quốc gia (đối nội) mà còn có ý nghĩa quốc tế (đối ngoại).
- Khoản 2: Thể hiện thái độ, mục tiêu của Nhà nước về mặt chính sách đối với các dân tộc; mối quan hệ giữa các dân tộc đa số và thiểu số, nền tảng của đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời là nền tảng của sự phát triển bền vững của quốc gia.
- Khoản 3: Xác định ngôn ngữ chung của quốc gia đa thành phần dân tộc, và quan điểm tôn trọng, tạo điều kiện bảo tồn, phát huy của Nhà nước đối với ngôn ngữ (tiếng nói, chữ viết), văn hóa của các dân tộc cùng sinh sống trên lãnh thổ quốc gia.
- Khoản 4: Thể hiện quan điểm, chính sách của Nhà nước đối với các dân tộc thiểu số - những cộng đồng tộc người do đặc điểm lịch sử đã và đang có những nét riêng, khó khăn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập sự phát triển chung của địa phương và quốc gia.
Từ các vấn đề được đặt ra trong bốn khoản của Ðiều 5 trên đây, có hai câu hỏi đặt ra là:
- Những nội dung dân tộc được quy định trong Hiến pháp đã đủ hay chưa, còn những vấn đề gì phải bổ sung hay không?
- Các nội dung được thể hiện qua các khoản của Ðiều 5 đã rõ hay chưa, khoa học và lo-gich cao hay chưa?
Có thể nói bốn khoản của Ðiều 5 dự thảo đã đề cập và thể hiện được những quy định then chốt, thể hiện được mối quan hệ của hai chủ thể: Nhà nước - Các dân tộc (đa số, thiểu số). Tuy nhiên, theo tôi vấn đề đặt ra là trên cơ sở các khoản mục đó có thể bổ sung và thể hiện sao cho rõ hơn. Trên tinh thần đó, tôi có mấy đề xuất về các khoản của điều 5, xin được nêu để tham khảo:
"Ðiều 5.
1. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là quốc gia thống nhất của các dân tộc cùng sinh sống trên đất nước Việt Nam.
2. Các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có quyền và nghĩa vụ bình đẳng nhau về chính trị, kinh tế, xã hội; cùng nhau phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thực hiện dân giàu, dân chủ, văn minh.
3. Ngôn ngữ quốc gia là tiếng Việt. Các dân tộc có quyền dùng tiếng nói, chữ viết; giữ gìn, phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình. Nghiêm cấm mọi hành vi kỳ thị, chia rẽ dân tộc.
4. Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện trên nguyên tắc bình đẳng, đoàn kết, tương trợ, tôn trọng cùng phát triển đối với các dân tộc; tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực, hòa nhập vào sự phát triển chung của đất nước".
Năm khoản thuộc Ðiều 5 mà chúng tôi kế thừa đề xuất trên đây là cấu trúc thuộc ý đồ sau đây:
- Khoản 1, thuộc quan niệm chung như đã trình bày: Xác lập quyền sinh sống của các dân tộc trên lãnh thổ quốc gia - Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
- Khoản 2, xác định quyền và nghĩa vụ bình đẳng, cơ bản của các dân tộc và mục tiêu phấn đấu của các dân tộc khi chung sống trên lãnh thổ Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi cho rằng, đây là mục quan trọng không thể thiếu và nên đặt ở khoản 2. Nên gộp khoản 2 và khoản 4 (dự thảo) vào mục chung về "chính sách".
- Khoản 3, xác định ngôn ngữ quốc gia và quyền của các dân tộc về sử dụng tiếng nói, chữ viết, bảo tồn và phát huy bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống và việc nghiêm cấm những điều không được làm.
- Khoản 4, thể hiện quan điểm, chính sách từ phía Nhà nước đối với các dân tộc nói chung và dân tộc thiểu số nói riêng.
Tôi cho rằng, thứ tự các khoản được sắp xếp lại như trên thì lô-gich hơn. Các khoản từ 1 đến 3 mang tính nguyên tắc, quy định chung đối với các dân tộc. Khoản 4 thể hiện quan điểm và định hướng chính sách, trong đó thể hiện sự quan tâm đặc thù đối với các dân tộc thiểu số.
Về câu chữ, lâu nay nhiều người quan niệm "bình đẳng, đoàn kết" là chính sách thì không hoàn toàn như vậy. "Bình đẳng","Ðoàn kết" (kể cả "Tương trợ" và "Tôn trọng") là nguyên tắc quán triệt trong quá trình hoạch định và là mục tiêu đạt tới của các chính sách. Còn chính sách phải là các vấn đề cụ thể hoặc "toàn diện".
Còn khoản 3, theo tôi nên bỏ cụm từ diễn giải "phong tục tập quán truyền thống và văn hóa tốt đẹp của mình" vì chỉ cần nói "giữ gìn, phát huy bản sắc và truyền thống văn hóa tốt đẹp của mình" là gọn và đủ./.