1.Điều 54 (sửa đổi, bổ sung các điều 15, 16, 19, 20, 21 và 25)
“Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế.” (Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992).
Tôi xin đề nghị sửa đổi, bổ sung theo phương án sau: “Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với các hình thức sản xuất kinh doanh đa dạng, không phân biệt các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu”.
Như chúng ta đã biết, Đại hội lần thứ VI của Đảng năm 1986 đã có bước đột phá quan trọng, trong đổi mới tư duy về thành phần kinh tế, chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung quan liêu bao cấp sang phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước.
Từ tổng kết thực tiễn, qua các kỳ Đại hội, từ Đại hội lần thứ VII đến Đại hội lần thứ XI, quan niệm về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN của Đảng ta lại có sự phát triển và hoàn thiện hơn. Chúng ta đã nhận ra mối quan hệ giữa chế độ sở hữu, hình thức sở hữu và loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh. Trong đó loại hình tổ chức sản xuất, kinh doanh phản ánh rõ nhất sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất, thể hiện ở hiệu quả kinh doanh, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Cũng từ thực tiễn 36 năm đổi mới cho thấy, chế độ sở hữu toàn dân, tập thể, tư nhân cũng thể hiện trên thực tế nhiều hình thức sở hữu phong phú, đa dạng... tạo nên các hình thức sở hữu hỗn hợp. Và các hình thức sở hữu, thành phần kinh tế chỉ xuất hiện và tồn tại khi nó có đóng góp vào sự phát triển, tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
Về phương pháp luận, chúng ta cũng biết rằng, chính V. I. Lenin cũng rất uyển chuyển, linh hoạt khi nhận thức về thành phần kinh tế trong thời kỳ quá độ lên CNXH. Khi áp dụng chính sách cộng sản thời chiến, thành phần kinh tế được Người nhấn mạnh trên cơ sở quan hệ sở hữu nhất định, nhưng đến khi áp dụng chính sách kinh tế mới (NEP), thì thành phần kinh tế lại được nhấn mạnh trên cơ sở các hình thức kinh tế.
Trong Văn kiện Đại hội lần thứ XI, tổng kết hơn 30 năm đổi mới về kinh tế, Đảng ta cũng nhấn mạnh: “Khuyến khích phát triển các loại hình doanh nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh với sở hữu hỗn hợp” (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB Chính trị quốc gia. HN 2011, tr110). Đây cũng là một trong những đóng góp quan trọng của Đảng ta vào lý luận về những đặc trưng kinh tế của thời kỳ quá độ lên CNXH ở những nước chưa trải qua giai đoạn phát triển TBCN như ở nước ta.
2. Điều 73 (giữ nguyên Điều 48)
“Nhà nước phát huy tinh thần yêu nước và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh cho toàn dân; thực hiện chế độ nghĩa vụ quân sự, chính sách hậu phương quân đội; xây dựng công nghiệp quốc phòng, bảo đảm trang bị cho lực lượng vũ trang, kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ và chiến sỹ, công nhân, nhân viên quốc phòng; xây dựng các lực lượng vũ trang nhân dân hùng mạnh, không ngừng tăng cường khả năng bảo vệ đất nước”.
Tôi xin bổ sung vào đoạn văn “kết hợp quốc phòng – an ninh với kinh tế - xã hội, kinh tế - xã hội với quốc phòng – an ninh”, với các lý do sau:
Trong thời đại ngày nay, kinh tế và xã hội, quốc phòng và an ninh tuy là các lĩnh vực khác nhau có những đặc trưng, đặc điểm, mục tiêu, nội dung với những phương thức và quy luật vận động khác nhau; về quản lý xã hội còn được phân chia ra các bộ, ngành khác nhau… Tuy nhiên, các lĩnh vực này lại luôn đan xen gắn kết với nhau, từ việc khoạch định chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách kinh tế cũng như quốc phòng không thể không tính đến những vấn đề xã hội, an ninh và ngược lại.
Sự đan kết thể hiện rõ nét nhất là vấn đề kinh tế và xã hội, quốc phòng và an ninh, thường được thể hiện ở cụm từ kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh. Vì thế, sự kết hợp cần được thể hiện trong nội dung của hiến pháp là “kết hợp quốc phòng – an ninh với kinh tế - xã hội, kinh tế - xã hội với quốc phòng – an ninh” là phù hợp với sự vận động của thực tế khách quan.
Mặt khác, kể từ Đại hội X đến nay, trong các Văn kiện của mình Đảng ta đã sử dụng các cụm từ nêu trên trong các định hướng phát triển như: "Kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường sức mạnh quốc phòng và an ninh trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng của đất nước" (1). "Kết hợp chặt chẽ kinh tế với quốc phòng, an ninh; quốc phòng, an ninh với kinh tế trong từng chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo” (2)…
Sử dụng các cụm từ nêu trên vừa phản ánh rõ nét hơn nhận thức của xã hội ta đã đạt được độ sâu về lý luận được tổng kết qua thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa chế định các hành vi của mọi công dân, tổ chức nhà nước và đoàn thế xã hội nhằm đạt hiệu quả cao trong quá trình hoạt động của mình. Vì thế, là một công dân tôi xin được đóng góp vào bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, với nội dung và lý do như đã nêu ở trên./.
Ghi chú:(1) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X, trang 110
(2) Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, trang 234