Trả lời chất vấn của đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về con số nợ BHXH theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là 7.000 tỷ đồng hay 12.000 tỷ đồng, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền nêu rõ: Trong báo cáo tổng số nợ 12.000 tỷ đồng gồm có, nợ BHXH 7.000 tỷ đồng, nợ BHYT và nợ bảo hiểm thất nghiệp (nợ bảo hiểm thất nghiệp là hơn 600 tỷ đồng).
Một nguyên nhân nữa dẫn tới tình trạng nợ đọng BHXH đó là tổ chức công đoàn ở các địa phương thường không phản ánh kịp thời. Bộ trưởng đề nghị tới đây ở các địa phương, doanh nghiệp đã có tổ chức công đoàn phải kiên quyết bảo vệ quyền lợi của người lao động. Khi biết doanh nghiệp chây ì đóng BHXH cho người lao động phải phản ánh kịp thời tới cơ quan chức năng để vấn đề được xử lý sớm hơn.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội cũng nhận trách nhiệm của ngành đối với công tác kiểm tra giám sát phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, theo bộ trưởng, do toàn ngành có trên 400 cán bộ nhân viên làm công tác thanh tra, ở Bộ có khoảng 55 người; ở địa phương từ 5-7 người, thanh tra ở rất nhiều lĩnh vực: lao động việc làm, người có công, giảm nghèo, bảo trợ xã hội… nên số cuộc cần kiểm tra trong lĩnh vực này còn rất ít. Ở địa phương cũng thực hiện kiểm tra nhưng so với số doanh nghiệp cần phải được kiểm tra về trách nhiệm đóng BHXH cũng còn rất hạn chế.
Theo Bộ trưởng, đây là lý do Bộ đồng ý với đề xuất giao cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh tra về thu bảo hiểm; còn thanh tra Nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm và thực hiện chính sách bảo hiểm là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trong dự thảo luật luật bảo hiểm lần này. Tuy nhiên đây mới là đề xuất nằm trong dự thảo luật, còn phải chờ Quốc hội thông qua./.