Hội nghị lần thứ 4 BCH Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành 3 Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết 04 về  tăng cường, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ.

Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, cụ thể hóa nhiệm vụ trọng tâm thứ nhất trong 6 nhiệm vụ trọng tâm được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra.

Trung ương 4 chỉ mặt, đặt tên khá rõ biểu hiện suy thoái

Tại buổi tọa đàm “Xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Những việc cần làm ngay” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức sáng nay, PGS. TS. Đào Duy Quát, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tư tưởng- Văn hóa Trung ương, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, Đảng ta là một cơ thể sống với hơn 4,5 triệu đảng viên hoạt động trong vạn tổ chức cơ sở Đảng. Để Đảng ta trong sạch, vững mạnh thì mọi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên tu dưỡng rèn luyện, mọi tổ chức Đảng phải thường xuyên được chăm lo xây dựng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Do đó, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng.

dao_duy_quat_vov_sttn.jpg
PGS. TS. Đào Duy Quát
“Hiện này tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến hành vi phức tạp hơn. Tham nhũng, lãng phí, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng tập trung vào một số đảng viên có chức vụ trong bộ máy Nhà nước”- PGS. TS. Đào Duy Quát nói.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng Đảng đặt ra mục tiêu, yêu cầu là nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để cương quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, góp phần khắc phục những yếu kém trong công tác cán bộ và quản lý cán bộ. Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực của người có chức, có quyền, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Nghị quyết Trung ương 4 đã nhận diện 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”. Nghị quyết Trung ương 4 đã chỉ rõ đây là nguy cơ trực tiếp đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ. Do đó, nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng với trọng tâm là đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng nhấn mạnh,về vấn đề suy thoái, Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã nhận diện rõ, chỉ mặt, đặt tên một cách khá cụ thể. Từ Trung ương 4 khoá XI, Trung ương đã đặt ra “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên” suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống thì đâu phải tất cả các đảng viên đã nhận thức được.

Vụ việc Trịnh Xuân Thanh là tổng hợp của sự suy thoái

 “Nhiều đảng viên xem như vấn đề suy thoái ở đâu chứ không phải mình, thậm chí ở cơ quan thì chắc là người khác. Trung ương bảo là Trung ương không suy thoái chắc chỉ dưới tỉnh. Tỉnh bảo tỉnh không suy thoái chắc chỉ có huyện. Huyện thì bảo làm gì mà suy chắc chỉ có xã. Xã bảo chắc dưới thôn, bản, tổ dân phố. Nhưng xuống tổ dân phố thì lại chỉ chắc chỉ suy ở trên. Có nghĩa là không ai nhận diện ra được suy thoái”- ông Nguyễn Đức Hà nói.

Lần này, Trung ương chỉ ra rất rõ những biểu hiện suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức. Ngay như việc nể nang, né tránh cũng là suy thoái, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh cũng là suy thoái, thiếu tinh thần trách nhiệm cũng là suy thoái. Dễ làm khó bỏ cũng là suy thoái, chưa nói đến tham ô, tham nhũng.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Ban Tổ chức Trung ương
“Trung ương đã chỉ ra rất rõ thế nào là biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống? Thế nào là tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ? Nghị quyết Trung ương 4 được xem như là “tấm gương” để các đảng viên soi vào, thẳng thắn nhìn nhận, xem bản thân có “dính” biểu hiện nào không? Nếu “dính” thì “dính” nặng hay “dính” nhẹ để chúng ta tự điều chỉnh, tự sửa chữa. Đây chính là mục đích lớn nhất của Nghị quyết Trung ương 4, chứ đâu phải ra Nghị quyết này để “chém”, để kỷ luật, thanh trừng ai”- ông Nguyễn Đức Hà nói.

Dẫn vụ việc Trịnh Xuân Thanh, ông Nguyễn Đức Hà cho rằng đây là tiêu điểm, tổng hợp của rất nhiều biểu hiện của sự suy thoái. Đầu tiên là chạy thành tích, chạy thi đua, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu - Nghị quyết Trung ương 4 chỉ ra rất rõ đây là biểu hiện suy thoái, làm đẹp hồ sơ, ẩn khuyết điểm - để năm 2009 nhận Huân chương Lao động, năm 2010 tiếp tục nhận Huân chương Lao động bậc cao hơn, năm 2011 được nhận danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

“Sau khi Thanh tra Chính phủ chỉ ra những khuyết điểm, lỗ “đầm đìa”, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân, thì Chủ tịch “chạy” đường Chủ tịch, Tổng Giám đốc “chạy” đường Tổng Giám đốc, chạy chức, chạy quyền, chạy luân chuyển, quy hoạch. Cuối cùng về giữ chức Phó Chủ tịch UNND tỉnh Hậu Giang. Tất cả những biểu hiện “chạy” này là biểu hiện của sự suy thoái"- ông Hà thẳng thắn.

Nói đến các vụ đại án, các vụ tham nhũng, không phải đến Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII mới đặt ra mà thực chất từ Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI. Chỉ cần một thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng về ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư về xử lý vụ việc tiêu cực Trịnh Xuân Thanh mà báo chí nêu đã làm rung chuyển cả đất nước. Đây là một quan điểm rất lớn của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII lần này là phải kết hợp giữa xây và chống, nhưng phải lấy xây là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược lâu dài, lấy chống là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Nói cách khác, đợt này chúng ta tập trung nhấn mạnh kỷ luật, kỷ cương của Đảng, nhấn mạnh pháp luật của Nhà nước.

Dẫn lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi bàn về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 đã nói: “Ban Bí thư có kỷ luật một số cán bộ mới là xử lý về nguyên tắc, tổ chức của Đảng. Còn tới đây thanh tra, kiểm tra, kiểm toán “dính” đến pháp luật chỗ nào thì cứ pháp luật mà làm”, ông Nguyễn Đức Hà nhận định, “lần này rất nhấn mạnh về vấn đề mà trước đây chúng ta cứ nói là kết hợp giữa đức trị và pháp trị, thì lần này phải nhấn mạnh pháp trị”./.