Sau độ lùi lịch sử 87 năm, chúng ta càng thấy rõ hơn sự sáng tạo, nhạy bén, kịp thời và vai trò to lớn của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trong việc tổ chức Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam giữa tiết xuân Canh Ngọ 1930. Chúng ta cũng thấy rõ hơn giá trị của những bài học và những điều lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã căn dặn các chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi...
Trước Hội nghị hợp nhất khai sinh Đảng Cộng sản Việt Nam trong mùa xuân năm Canh Ngọ 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã có 10 năm - có thể tính từ khi Người đọc Luận cương của Lê-nin, tháng 7/1920 - nỗ lực không ngừng chuẩn bị về mọi mặt để thành lập một Đảng Cộng sản chân chính, đảm nhận vai trò lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc chủ trì Hội nghị thành lập Đảng (Tranh trích từ CDrom Hồ Chí Minh Toàn tập 2001 - Nxb Chính trị Quốc gia). |
Với luận điểm nhất quán “Cách mệnh muốn thành công trước hết phải có Đảng cách mệnh”; “Đảng có vững cách mệnh mới thành công”, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã từng bước chuẩn bị về chính trị và tư tưởng, huấn luyện cán bộ và xây dựng tổ chức - những tiền đề cần thiết để hình thành một Đảng cách mệnh chân chính, vững mạnh và đủ khả năng lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng của dân tộc.
Những cán bộ cách mạng trẻ tuổi đầy nhiệt huyết được Người huấn luyện ở Quảng Châu trở về nước hoạt động hăng hái, sôi nổi đã trực tiếp dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của cuộc đấu tranh ở Việt Nam trong những năm nửa sau thập niên 1920. Các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam đã ra đời trong cuộc đấu tranh đó. Tuy vậy, đã diễn ra tình trạng chia rẽ giữa các tổ chức. Sự phân ly đã làm phân tán sức mạnh chung của phong trào. Thực tiễn đó đặt ra yêu cầu cấp bách hợp nhất các tổ chức cộng sản thành một Đảng cộng sản duy nhất để có thể đảm nhận vai trò lịch sử lãnh đạo phong trào cách mạng giải phóng dân tộc.
Với cảm nhận nhạy bén và tầm nhìn viễn kiến cùng với tất cả tình cảm lo toan, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã kịp thời triệu tập và chủ trì Hội nghị hợp nhất, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam trong mùa Xuân năm 1930. Lịch sử cách mạng Việt Nam, lịch sử dân tộc Việt Nam từ đó chuyển sang trang mới.
Tại Hội nghị hợp nhất, với kinh nghiệm và uy tín của mình, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã phân tích thấu đáo với các đại biểu của các nhóm cộng sản về vai trò, trách nhiệm của những người cộng sản trước vận mệnh dân tộc, về ý nghĩa quan trọng của sự đoàn kết nhất trí giữa những người cộng sản Việt Nam.
Mùa xuân Canh Ngọ 1930, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cũng đồng thời hoàn thành một sứ mệnh quan trọng: Đoàn kết những người cộng sản Việt Nam, hướng các chiến sĩ cách mạng tới một mục tiêu chung - Đấu tranh giải phóng dân tộc.
Những bất đồng có tính cục bộ đã được Người loại bỏ để tất cả cùng một hướng nhìn, cùng một ý chí, cùng một quyết tâm hy sinh chiến đấu cho cùng một lý tưởng cao cả. Sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam đánh dấu bước ngoặt trọng đại, chấm dứt tình trạng khủng hoảng đường lối cứu nước ở Việt Nam. Sự kiện này cũng ghi nhận sự đoàn kết, nhất trí của những chiến sĩ cộng sản ngay từ buổi đầu tổ chức còn manh nha trứng nước.
Trong Báo cáo gửi Quốc tế cộng sản sau Hội nghị hợp nhất (ngày 28/2/1930), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc viết: “Từ nay, với chính sách đúng và với sự thống nhất, chúng tôi có thể chắc rằng Đảng Cộng sản sẽ tiến bộ nhanh chóng” (1). Thực tiễn lịch sử đã chứng minh nhận định đúng đắn đó.
Nhớ “Mùa xuân dựng Đảng” năm xưa, tự hào với những trang sử vẻ vang hào hùng của Đảng cũng là dịp để chúng ta nhìn rõ hơn trách nhiệm trong “Mùa xuân xây dựng Đảng” năm nay. Dễ thấy rằng Bức tranh hiện tại còn có nhiều mảng tối. Một bộ phận (thậm chí là không nhỏ) cán bộ, đảng viên không còn giữ vững được phẩm chất, không nâng cao được năng lực của mình cho ngang tầm những đòi hỏi của nhiệm vụ mới.
Những vụ tiêu cực được phát hiện đã làm chúng ta mất đi nhiều cán bộ đảng viên, mất đi nhiều tổ chức đảng do tham nhũng và lộng quyền làm tha hoá. Những điều đó đang làm suy giảm lòng tin của nhân dân vào sự gương mẫu của đảng viên và vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng.
Mùa xuân Đinh Dậu 2017 năm nay, Đảng đã khẳng định quyết tâm tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện và triệt để với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII). Các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ (lần đầu tiên) đã được Đảng chỉ rõ và đề ra những biện pháp cụ thể để đấu tranh loại trừ.
Nhân dân kỳ vọng Đảng có những hành động mạnh mẽ để cuộc đấu tranh khó khăn đó đạt những kết quả, làm cho các tổ chức Đảng trong sạch hơn, vững mạnh hơn, cũng làm cho mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu hơn, xứng đáng hơn với sự tin tưởng của nhân dân.
Từ trước khi thành lập Đảng, trong bài giảng cho những lớp cán bộ cách mạng đầu tiên được Người trực tiếp đào tạo ở Quảng Châu, sau này được in thành “giáo trình” Đường Kách mệnh nổi tiếng (1927), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã nêu những điều cốt yếu về Tư cách một người cách mệnh, trong đó Người nhấn mạnh những điều một người cán bộ Với tự mình phải:
“... Vị công vong tư.
Không hiếu danh, không kiêu ngạo.
Nói thì phải làm.
Giữ chủ nghĩa cho vững.
Hy sinh.
Ít lòng tham muốn về vật chất...”. (2)
Dù cách dùng từ ngữ ngày nay so với ngôn ngữ cách đây gần một thế kỷ đã có vài đổi khác song tất cả những điều này đến nay vẫn không hề “cũ”. Những nỗ lực thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XII), thực hiện Chỉ thị 05 CT/TW (ngày 15/5/2016) của Bộ Chính trị hôm nay cũng tương đồng với những luận điểm trong Tư tưởng Hồ Chí Minh về rèn luyện, tu dưỡng đạo đức để hoàn thiện Tư cách một người cách mệnh đã được Người nêu cách đây 90 năm.
Nhớ về ngày thành lập Đảng năm xưa chúng ta nhớ tinh thần sáng tạo, độc lập, nhớ sự nhạy bén, kịp thời và vai trò quyết định của một Người dẫn đường xuất sắc. Chúng ta nhớ bài học đoàn kết, thống nhất của những người cách mạng được ghi nhận từ ngày đó còn mang nhiều giá trị.
Tinh thần đoàn kết, nhất trí hy sinh, phấn đấu vì lý tưởng, vì mục tiêu chung vẫn cần được phát huy và chúng ta cũng nhớ rằng: Việc thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng Tư cách của một người cách mệnh để mỗi cán bộ, đảng viên đủ phẩm chất và năng lực, xứng đáng với sự tin tưởng của nhân dân vẫn phải là điều cần được mỗi cán bộ, đảng viên hôm nay luôn tâm niệm và thực hiện./.
1) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb CTQG, Hà Nội, tập 3, tr. 14 - 15
(2) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 2, tr. 280
Xây dựng Đảng về đạo đức: Phải loại bỏ được chủ nghĩa cá nhân